Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Bác sĩ Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Australia về thực hiện kỹ thuật Phakic ICL

Minh Nhật - 15:39, 07/06/2024

Ngày 5/6, chia sẻ tại sự kiện “Hành trình thành công của 5.000 ca Phakic ICL” Bác sĩ Bùi Tiến Hùng (Hội Nhãn khoa Việt Nam) cho biết sẽ nhận giải thưởng Award 5.000 vào tháng 9 tới đây. Đây là giải thưởng danh giá của Staar Surgical nhằm tôn vinh những bác sĩ và trung tâm phẫu thuật xuất sắc nhất trong việc sử dụng và phát triển công nghệ tiên tiến ICL trên toàn thế giới.

Bác sĩ Bùi Tiến Hùng chia sẻ tại sự kiện “Hành trình thành công của 5000 ca Phakic ICL”
Bác sĩ Bùi Tiến Hùng chia sẻ tại sự kiện “Hành trình thành công của 5000 ca Phakic ICL”

Phẫu thuật Phakic ICL (Implantable Collamer Lens) là một phương pháp điều trị trị các tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị. Phương pháp này bao gồm việc cấy ghép một loại thấu kính nhân tạo vào bên trong mắt (giữa mống mắt và thủy tinh thể tự nhiên) mà không phải loại bỏ hoặc thay thế thủy tinh thể tự nhiên của mắt.

Phakic ICL sử dụng thấu kính Collamer, một loại vật liệu sinh học đặc biệt kết hợp collagen, giúp thấu kính tương thích hoàn toàn với mắt và tạo cảm giác tự nhiên nhất cho người sử dụng. Quy trình cấy ghép thấu kính được thực hiện bằng cách tạo một vết mổ nhỏ trên giác mạc, qua đó thấu kính được đưa vào vị trí.

Phẫu thuật Phakic ICL là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nhãn khoa, mang lại cơ hội nhìn rõ hơn và thoải mái hơn cho người bị tật khúc xạ. Các ưu điểm vượt trội của Phakic ICL là: phổ điều trị rộng (ngưỡng điều trị tới 18 diop cận thị hoặc 10 Diop viễn thị, đi kèm 6 diop loạn thị); bảo toàn cấu trúc giác mạc; không khô mắt sau phẫu thuật; bảo vệ mắt khỏi tia UV; thấu kính sử dụng trong mổ Phakic được sản xuất riêng theo thông số của từng mắt, bảo đảm tính chính xác và hiệu quả cao trong điều trị…

Nhờ những tính năng vượt trội, phương pháp này đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho những ai muốn điều chỉnh tật khúc xạ mà không cần can thiệp vào cấu trúc tự nhiên của mắt.

Tại sự kiện bác sĩ Bùi Tiến Hùng cho biết: "Năm 2006, tôi được biết tới một kỹ thuật chữa cận thị mà không phải bào mòn giác mạc đã và đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, đó là phương pháp Phakic (đặt kính trong nhãn cầu)".

Và mất 8 năm để bác sĩ Hùng đạt cột mốc 100 ca Phakic đầu tiên.

Bác sĩ Bùi Tiến Hùng đang thực hiện một ca phẫu thuật Phakic ICL
Bác sĩ Bùi Tiến Hùng đang thực hiện một ca phẫu thuật Phakic ICL

Tại hội thảo quốc tế của các phẫu thuật viên Phakic cao cấp trên toàn thế giới tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 9/2014 với tư cách khách mời, bác sĩ Hùng được giới thiệu về loại kính sinh học ICL và kỹ thuật mổ Phakic với loại kính này, một loại kính nội nhãn được cho là an toàn bậc nhất khi đặt trong mắt, không gây đục thủy tinh thể, Glaucoma, hủy hoại giác mạc.

Đánh giá cao về mức độ tiên tiến và an toàn, bác sĩ Hùng đã đưa kỹ thuật này về triển khai Việt Nam, giúp người bệnh không phải ra nước ngoài điều trị. Chỉ hai năm sau khi triển khai kỹ thuật phẫu thuật mới này, bác sĩ Hùng đã cán đích ca thứ 500 và được đứng lên bục nhận giải thưởng Award 500 tại thành phố biển Malmo (Thụy Điển) vào tháng 9/2016. Các mốc tiếp theo là nhận Award 1.000 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) vào tháng 10/2017; nhận Award 2.000 tại Pháp năm 2019; nhận Award 3.000 tại Milan (Italia) năm 2022… Ngày 12/3, bác sĩ Hùng đã thực hiện ca phẫu thuật Phakic ICL thứ 5.000.

Bác sĩ Bùi Tiến Hùng đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Australia về thực hiện kỹ thuật Phakic ICL. Lễ trao Award 5.000 dự kiến sẽ chính thức được tổ chức vào tháng 9/2024 tới đây tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Theo thống kê, đến thời điểm này, các bác sĩ trên toàn thế giới đã thực hiện hơn 3 triệu ca Phakic ICL.

Chia sẻ về chăm sóc mắt trong cộng đồng, bác sĩ Hùng cho biết, để bảo vệ mắt, tránh bị các tật khúc xạ, đặc biệt giảm nguy cơ bị cận thị, ngay từ nhỏ, mắt nên được “hoạt động” tại những nơi có ánh sáng tự nhiên. Trẻ nhỏ nên vận động ngoài trời 2 tiếng/ngày thì tỷ lệ cận thị rất thấp. Điều đó cũng lý giải vì sao trẻ em nông thôn bị cận thị ít hơn nhiều so với trẻ thành phố... Nếu bị cận thị, trẻ cần được chẩn đoán chính xác và nên đeo kính đúng độ cận.