Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bài chòi-Từ hội làng bước ra thế giới

PV - 11:19, 09/07/2018

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghệ thuật bài chòi vẫn được dân làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) giữ gìn nguyên vẹn. Càng tự hào hơn khi nghệ thuật bài chòi dân dã của làng Ngô Xá Tây nói riêng và của vùng Trung Trung bộ Việt Nam nói chung vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sức sống của một hội làng

Cụ ông Hồ Văn Đỉu (80 tuổi) là một trong những bô lão nặng lòng và tâm huyết với hội bài chòi của làng Ngô Xá Tây. Cụ Đỉu kể, theo như sử làng ghi chép lại thì làng mình hình thành cách nay khoảng 600 năm, còn nghệ thuật bài chòi du nhập vào làng cách đây khoảng 300 năm. Trò chơi dân dã này đã in sâu đậm trong tâm thức của biết bao thế hệ người làng từ xa xưa. Đây cũng được xem là vốn quý, là món ăn tinh thần không thể thiếu của làng và không dễ gì mai một theo thời gian.

Hội bài chòi đã được dân làng Ngô Xá Tây giữ gìn qua nhiều thế hệ. Hội bài chòi đã được dân làng Ngô Xá Tây giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Trong quá trình, hội bài chòi cũng có lúc thăng trầm, gián đoạn theo dòng chảy của lịch sử. Sau năm 1985, hội bài chòi được phục hồi và duy trì thường niên cho đến nay. Vốn là người rất am tường về bài chòi, cụ Đỉu không chỉ tích cực tham gia tổ chức, biểu diễn ca xướng hò vè, ông còn có công rất lớn trong việc truyền dạy lại những hiểu biết cặn kẽ về bài chòi cho các thế hệ sau của làng. Cụ chỉ thực sự nghỉ chơi bài chòi cách đây vài năm, khi sức khỏe không còn cho phép.

Ở làng Ngô Xá Tây, từ người già đến người trẻ, thậm chí cả trẻ con đều có niềm yêu thích nồng nhiệt với hội bài chòi của làng mình. Xưa kia, hội bài chòi được tổ chức thường niên tại sân đình làng bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp kéo dài đến mùng 4 tháng Giêng. Từ năm 2014, hội bài chòi được phục dựng quy mô lớn hơn và địa điểm được di dời ra một khu đất rộng gần Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. “Những ngày diễn ra hội bài chòi, hầu như mọi người tập trung chơi từ chập tối cho đến khuya. Ai cũng vui, vì thế những ngày Tết đến Xuân về càng trở nên vui tươi, ý nghĩa hơn”, anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng thôn Ngô Xá Tây vui vẻ cho biết.

Hội bài chòi thường được tổ chức vào dịp Tết ở làng Ngô Xá Tây. Hội bài chòi thường được tổ chức vào dịp Tết ở làng Ngô Xá Tây.

Chính Trưởng thôn Nguyễn Minh Đức (31 tuổi) cũng là một trong những người trẻ tuổi sớm say mê gia nhập và gắn bó với việc tổ chức hội bài chòi hàng năm của làng. Anh cho biết, mình là một trong 15 thành viên chủ chốt của đội bài chòi của làng. Ngoài tham gia điều hành ngày hội, anh còn trực tiếp hò xướng, sắp bài, chia quân bài cho người chơi. Đến bây giờ, niềm đam mê với bài chòi trong anh vẫn nguyên vẹn như những ngày thơ bé.

Trao truyền cho đời sau

Nhớ lại sự kiện ngày 5/5/2018, khi di sản văn hóa bài chòi chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà Hồ Thị Linh, 54 tuổi ở làng Ngô Xá Tây vẫn cảm thấy phấn chấn trong lòng. Bà Linh bộc bạch: “Bao nhiêu năm chơi bài chòi, tôi cũng như người làng chỉ nghĩ đây là di sản văn hóa dân gian bình thường của người làng mình. Ngờ đâu một ngày bài chòi ở hội làng mình lại được thế giới biết đến và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người làng ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào vô cùng”.

Từ thời còn nhỏ xíu, trong những ngày tết đến xuân về, cũng như bao người làng đam mê những ván bài chòi náo nhiệt, bà Linh thường theo bà, theo mẹ đến dự hội bài chòi đến tận đêm khuya. Bài chòi vì thế cũng ngấm vào máu thịt trở thành một phần trong đời sống tinh thần của bà.

Ông Nguyễn Quân Cử, Trưởng Ban Văn hóa xã Triệu Trung, Bí thư Chi bộ thôn Ngô Xá Tây cũng là một người đam mê đặc biệt và tâm huyết sống hết mình với bài chòi. Ông cũng là người sáng tác mới hầu hết các câu ca, hò vè, thơ đối đáp để phục vụ cho những người hát xướng bài chòi. “Những bài hò, vè xưa để lại dù nhiều nhưng lâu dần cũng khiến người chơi nhàm chán. Mình phải sáng tác ra những bài ca mới, phù hợp với thực tiễn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhưng vẫn dựa trên nền của dân ca Bình Trị Thiên như cũ. Cũng nhờ các bài hò, vè mới kết hợp với cũ đã tạo nên không khí cuộc chơi bài chòi trở nên rôm rả, vui tươi”, ông Cử cho biết.

Đến nay, riêng hội bài chòi của làng Ngô Xá Tây cũng đã có hơn cả trăm bài vè, bài hát xướng. Có một điểm đặc biệt là kiểu hát xướng của bài chòi ở vùng này là kiểu hát đố, người chơi cũng phải ước đoán và đi từng nước bài sao cho hợp lý thì mới thắng được. Chính những điểm hay, độc đáo và có phần khó vậy nên càng tạo hứng thú cho người chơi.

Theo ông Cử, mỗi năm tổ chức hội bài chòi hầu như “thu không bù đủ chi” nhưng làng luôn cố gắng hết sức để hội được diễn ra. Để hội diễn ra một cách “bền vững”, hàng năm Chi bộ thôn luân phiên giao cho các tổ chức đoàn thể thôn đứng ra tổ chức. Bài chòi được tổ chức vào dịp Tết không chỉ là giữ gìn nét văn hóa đẹp của làng mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, hạn chế người dân tham gia cờ bạc, đỏ đen và uống rượu bia. Thông qua hội bài chòi đã kết nối cộng cảm dân làng, tạo được sân chơi đậm chất văn hóa đặc sắc.

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.