Hôm nay (11/11), tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Hiệp hội Mộc bản Quốc tế tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo quản tài liệu mộc bản tại các nước Châu Á”. Gần 100 đại biểu đại diện các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam tham dự.
|
Toàn cảnh tọa đàm quốc tế. |
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), tại Việt Nam hiện có 3 tư liệu mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình kí ức thế giới của UNESCO, gồm: Mộc bản Triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (ở thành phố Đà Lạt), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang và Mộc bản Trường Phúc Giang thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh.
Do khối tài liệu mộc bản này được hình thành hàng trăm năm trước, được bảo quản trong nhiều điều kiện khác nhau nên đã và đang ngày càng hư hỏng, xuống cấp về chất lượng và tình trạng vật lý.
Hội thảo đã trình bày hơn 20 tham luận, trong đó có nhiều tham luận đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản xoay quanh các nội dung chính như: chiến lược và sứ mệnh của công tác hợp tác quốc tế trong việc bảo quản tư liệu; các tác nhân dẫn đến tình trạng cong, vênh, nứt vỡ của Mộc bản cùng những giải pháp hạn chế và xử lý; phương pháp xử lý tài liệu trước khi số hóa và tu bổ, phục chế; quá trình hình thành và bảo quản, giải pháp quản lý, lưu trữ và bảo tồn Mộc bản của các nước...
|
Khoảng 10% số mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (ở Đà Lạt) xuống cấp và hư hỏng. |
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, nơi đang lưu trữ hơn 34.600 tấm mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới cho biết, mặc dù đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp bảo quản và lưu trữ, nhưng hiện khoảng 10% số mộc bản tại đơn vị đã trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng. Vì vậy, tọa đàm quốc tế này có ý nghĩa rất quan trọng, gợi mở thêm nhiều phương pháp trong bảo quản và lưu trữ cho các di sản tư liệu quý báu này.
Ông Nguyễn Xuân Hùng nói: “Thông qua tọa đàm này, rất nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo quản tài liệu mộc bản mà chúng tôi được tiếp cận được. Các báo cáo tham luận từ Trung Quốc có nói rằng bơm hóa chất vào để giữ cho tài liệu được lâu hơn, hay các bạn đến từ nước Nhật cũng nói bôi hóa chất lên bờ mặt để hạn chế sự hư hỏng tài liệu... đó là những điều mà rất nhiều người ở Việt Nam chúng ta trước đó cho rằng là không thể làm vì sợ phá hủy. Có rất nhiều điều mà qua đây chúng ta có thể mở ra những hướng mới trong nghiên cứu để làm sao đưa ra được điều kiện bảo vệ mộc bản tối ưu, đồng thời các biện pháp tu bổ, phục chế đối với loại di sản này trong thời gian tới cũng phải nghiên cứu trong thời gian tới”.
Ngay sau tọa đàm, Hiệp hội Mộc bản Quốc tế sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để tiếp tục thảo luận, nghiên cứu mọi biện pháp nhằm bảo quản lâu dài khối tài liệu mộc bản cho tương lai, đồng thời tổ chức đoàn tham quan, khảo sát khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức, biện pháp bảo quản và phát huy giá trị các Di sản tư liệu, quảng bá hình ảnh quốc gia ở trong nước và quốc tế./.
Theo vov.vn