PV: Xin ông cho biết một số kết quả trong hợp tác quốc tế, viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ cho vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua?
Ông Vi Thanh Quyền: Đến năm 2021, dân số toàn tỉnh Bắc Giang là gần 1,9 triệu người, trong đó người DTTS chiếm 14,26%, với 45 thành phần dân tộc. Hiện có 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 10 tổ chức tích cực triển khai các chương trình, dự án viện trợ, hỗ trợ địa phương.
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án của 29 tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí hơn 80,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ gần 79 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng.
Nội dung hoạt động tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề khó khăn ở vùng DTTS như: Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giáo dục - đào tạo; phát triển kinh tế hộ gia đình và chăm sóc các đối tượng HIV/AIDS; đào tạo nghề, nâng cao năng lực và giải quyết việc làm cho người DTTS; nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện dự án tại vùng DTTS…
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả từ các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự phát triển vùng DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang?
Ông Vi Thanh Quyền: Các nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang đóng góp cho các mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS của tỉnh Bắc Giang. Các khoản viện trợ đã góp phần nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ phát triển KT-XH cho vùng DTTS và miền núi, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các chính sách dân tộc trên địa bàn.
Chúng tôi nhận thấy, đa số các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến triển khai các hoạt động tại tỉnh Bắc Giang đều tuân thủ các quy định của Trung ương và địa phương, thể hiện tinh thần hợp tác, phối hợp tốt với đối tượng hưởng lợi và chính quyền địa phương, bảo đảm các dự án được triển khai hiệu quả.
Công tác vận động hỗ trợ của các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các tổ chức quốc tế, là kênh thu hút vốn đầu tư và mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao hình ảnh của Bắc Giang với thế giới.
PV: Trong quá trình triển khai hợp tác quốc tế, viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ cho vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang, có những khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa ông?
Ông Vi Thanh Quyền: Một trong những khó khăn hiện nay là Trung ương ban hành nhiều văn bản mới quy định về đầu tư công, sử dụng nguồn vốn viện trợ phi chính phủ, nên việc xây dựng đề xuất, trình thẩm định, phê duyệt, ký kết hiệp định vay còn có khó khăn nhất định.
Một số dự án sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Một số quy định, hướng dẫn của phía nhà tài trợ và hướng dẫn của một số bộ, ngành còn nhiều điểm chưa thống nhất, chưa rõ ràng đã ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin giữa tỉnh với các bộ, ngành Trung ương và nhà tài trợ.
Một số dự án có giá trị giải ngân lớn đã kết thúc và không tiếp tục triển khai giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh. Một số tổ chức phi chính phủ đã hoạt động nhiều năm tại tỉnh, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi như Plan, GVC không tiếp tục đăng ký hoạt động tại Bắc Giang.
PV: Ông có đề xuất gì để công tác này đạt hiệu quả cao trong giai đoạn tới, nhất là khi Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai?
Ông Vi Thanh Quyền: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngoài nguồn vốn do ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, công tác xúc tiến, vận động hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ là rất quan trọng.
Chúng tôi mong muốn các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang trong vận động viện trợ và làm cầu nối trong công tác tiếp nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài dành cho Bắc Giang.
Chúng tôi cam kết sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan khác để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động và viện trợ của các tổ chức phi chính phủ, từ đó chủ động kết nối, đề xuất dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn ông!