Thưa bà, những năm qua, việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh… trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật?
Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy và giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Đăk Lăk được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng DTTS trong thời gian qua thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tiêu biểu như Chương trình 135 giai đoạn 2016 -2020 đã được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng nội dung hỗ trợ và tạo được sự đồng thuận cao trọng Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Với tổng kinh phí được Nhà nước đầu tư hơn 487 tỷ đồng, Đăk Lăk đã đầu tư xây mới và duy tu bảo dưỡng được tổng số 1.157 công trình bao gồm các công trình về đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, còn 1 số chính sách khác như Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 ; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất với các hộ DTTS đặc biệt khó khăn; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... cũng đã được triển khai một cách đồng bộ và mang lại những hiệu quả to lớn.
Thời gian qua, Đăk Lăk đã có những đổi mới nội dung phương thức tổ chức thực hiện chính sách dân tộc để giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Đăk Lăk rất chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với vùng đồng bào DTTS; đầu tư hạ tầng kết nối giữa vùng khó khăn và vùng phát triển, thực hiện cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, trong đó tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện chương trình.
Đặc biệt, các chính sách giảm nghèo đã được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ, đến việc phân bổ vốn và công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án có chung mục tiêu, địa bàn nhằm phát huy hiệu quả đầu tư...
Có thể nói, từ kế hoạch và giải pháp triển khai đồng bộ như vậy, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, người đồng bào DTTS, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giai đoạn 2016-2019 bình quân 2,51%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,56%/năm. Hiện nay, đã giảm được 35.559 hộ nghèo, trong đó có 13.255 hộ DTTS.
Theo bà, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đối với địa phương cần phải có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khơi dậy tinh thần tự vươn lên của đồng bào DTTS?
Theo tôi, ngoài việc kế thừa, phát huy những kết quả đạt đã được trong công tác dân tộc những năm vừa qua, thời gian tới, tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể...tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và các phong trào thi đua yêu nước. Cụ thể như, huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn bức xúc của đồng bào; hướng dẫn đồng bào các DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Tổ chức các lớp đào tạo nghề truyền thống, nghề xã hội cần nhiều lao động cho thành niên DTTS, ưu tiên tuyển dụng lao động DTTS.
Thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo trong các vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ đồng bào tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua việc củng cố và tăng cường hệ thống y tế cấp xã về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn; Tổ chức tốt các hoạt động hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở từng vùng, từng dân tộc; Củng cố bộ máy làm công tác dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên trách công tác dân tộc cấp xã...
Trân trọng cảm ơn bà!