Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Hiệu quả từ Cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS

Minh Thu - Văn Hoa - 09:20, 29/06/2022

Qua 1 năm triển khai, Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) như thổi “làn gió mới” vào đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Người dân thôn Ya Xiêng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy có ý thức cao hơn với cánh đồng không chai lọ, không rác thải
Người dân thôn Ya Xiêng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có ý thức cao hơn với cánh đồng không chai lọ, không rác thải

Thay đổi từ những việc nhỏ

Dọc theo tuyến đường bê tông vào khu sản xuất của thôn Ya Xiêng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, cánh đồng bao la hiện ra xanh mướt một màu của lúa, không còn lốm đốm bao bì, vỏ hộp thuốc vương vãi như trước đây.

Ông A việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Cuộc vận động do Tỉnh ủy Kon Tum phát động, Hội Nông dân xã đã đưa ra nhiều cách làm, mô hình, trong đó có mô hình cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với người dân địa phương. Mô hình được triển khai vào tháng 11/2021 tại 3 thôn trong xã.

“Chúng tôi tổ chức ký cam kết cho 30 hộ thực hiện mô hình, đảm bảo không còn vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên hơn 6ha cánh đồng lúa, cùng chung tay vì một cánh đồng sạch” - ông Việt cho biết.

Ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, UBND xã đã triển khai tuyên truyền cho hơn 1.000 hộ đồng bào DTTS. Đến nay, đã có khoảng 700 hộ có sự chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm; 700 hộ biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thực hiện cơ giới hoá, từng bước chuyển đổi cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, mức thu nhập; 18 hộ đã tham gia vào 2 hợp tác xã trên địa bàn.

Từ Cuộc vận động, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn xã cải thiện rõ rệt. Những hủ tục như làm đám ma linh đình, kéo dài ngày hay phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư đã bị xóa bỏ. Cá biệt như tại làng Kơ Tol, trước đây đàn ông trong làng hay tụ tập uống rượu. Kể từ khi được vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các đối tượng dần bỏ những tệ nạn, chí thú làm ăn, lo cho đời sống gia đình.

Thực hiện Cuộc vận động, Ban Dân tộc Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị lồng ghép triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo từng lĩnh vực phù hợp với từng ngành, từng địa phương.

Hỗ trợ sinh kế bằng vật nuôi cho người dân để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Hỗ trợ sinh kế bằng vật nuôi cho người dân để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, lồng ghép trong các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng, thăm hỏi, gặp mặt... do Ban Dân tộc tổ chức, mỗi công chức, người lao động cơ quan; người dân trên địa bàn nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng Cuộc vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết cách tổ chức lao động sản xuất, làm cho các hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Phạm Thanh Phước, cán bộ Ban Dân tộc Kon Tum cho biết: Trong thời gian qua, Ban Dân tộc Kon Tum đã phối hợp các huyện đánh giá các mô hình điểm phát triển kinh tế tại địa phương. Từ đó, nhân rộng ra các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao để vận động, khích khuyến các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, biết cách tổ chức lao động sản xuất, làm cho các hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Thay đổi để thoát nghèo bền vững

Qua rà soát, kết quả thực hiện công tác tuyên truyền Cuộc vận động tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gần 30 nghìn hộ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động, gần 11 ngàn hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại... vươn lên thoát nghèo; trên 17 ngàn hộ DTTS biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; trên 9 ngàn hộ DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS toàn tỉnh giảm từ 3-4%/năm.

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố được quan tâm; công tác tuyên truyền vận động, công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương cơ sở triển khai thực hiện Cuộc vận động kịp thời, chặt chẽ đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các DTTS trong việc phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Phước cho hay.

Triển khai Cuộc vận động, năm 2021, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động tới 318 người.... Ngoài ra, Ban Dân tộc đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền Cuộc vận động đến với đồng bào DTTS thông qua các buổi hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng tại cơ sở do Ban Dân tộc tổ chức và quản lý.

Người dân huyện Kon Rẫy mạnh dạn đầu tư giống cây mới vào sản xuất
Người dân huyện Kon Rẫy mạnh dạn đầu tư giống cây mới vào sản xuất

Thực hiện Nghị quyết 04 NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền Ban Dân tộc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp với Bộ phận phụ trách Tổ công tác 04 hỗ trợ hộ anh Y Phân và anh A Sỹ ở thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông xây dựng mô hình thoát nghèo trồng cây giống Sâm dây và Sơn Tra với tổng giá trị 13 triệu đồng. Đến nay, 2 mô hình cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.

Theo ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Dù mới triển khai hơn 01 năm, nhưng Cuộc vận động góp phần hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS thay đổi phương thức canh tác, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian tới, để Cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTrPH-UBND-UBMTTQ ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đến công chức, người lao động và các hộ DTTS trên địa bàn tỉnh.

 Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh, gắn với việc tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.