Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bản Đôn - Điểm sáng du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 16:43, 22/06/2022

Nhờ lợi thế thiên nhiên ban tặng, ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào, bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) từ một bản hoang vu, nghèo nàn, nay đã lột xác thành bản du lịch cộng đồng thu hút khách trong và ngoài nước, nhờ đó đã giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bản Đôn đẹp và yên bình như một bức tranh
Bản Đôn đẹp và yên bình như một bức tranh

Đánh thức tiềm năng

Giữa tiết trời tháng 6 nắng như đổ lửa, sau vài giờ chạy xe từ trung tâm TP. Thanh Hóa đến bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), dường như chúng tôi đã lạc vào một thế giới khác. Những dãy núi cao hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín vàng ươm, như trải thảm bên những triền đồi. Những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong  lùm cây, không khí lại vô cùng mát mẻ. Nếu nhìn từ trên xuống bản Đôn đẹp và yên bình như một bức tranh thủy mặc.

Nằm cách trung tâm huyện Bá Thước gần 14km, bản Đôn có 159 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Khoảng chục năm về trước, nơi đây còn rất hoang vắng với chỉ vài chục nóc nhà. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, hái măng rừng.

Thế nhưng, từ khi chính quyền đẩy mạnh các phát triển du lịch, tiềm năng của vùng đất đã được đánh thức, như một cuộc cách mạng đối với bản Đôn. Đặc biệt, kể từ khi một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào bản, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ du lịch; đồng thời một số hộ dân trong bản cũng đã nhanh chóng tiếp cận với định hướng, nhu cầu thị trường, chớp thời cơ tham gia các lớp đào tạo về du lịch cộng đồng để xây dựng mô hình homestay..., qua đó đã thu hút được du khách không chỉ trong nước mà còn được nhiều khách quốc tế tìm đến nghỉ dưỡng, tham quan, làm cho bản Đôn trở nên sinh động và phát triển nhanh chóng.

Những ngôi nhà sàn truyền thống ở bản Đôn
Những ngôi nhà sàn truyền thống ở bản Đôn lung linh trong ánh điện

Anh Hà Văn Thược, chủ khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay kể, anh sinh ra trong gia đình thuần nông, khi trưởng thành rồi xây dựng gia đình riêng, cuộc sống hai vợ chồng khó khăn do không có công việc ổn định, nhiều năm liền, gia đình anh nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn.

Tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước, và nắm bắt làn sóng du lịch cộng đồng tại địa phương, năm 2017 anh Thược mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư làm du lịch. Chưa có kinh nghiệm, anh đi nhiều nơi như Hòa Bình, Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi mô hình, tham gia nhiều khóa học để có kiến thức, rồi từng bước xây dựng cơ ngơi của mình và đạt kết quả rất khả quan.

Hiện nay, anh đã xây dựng cho mình được 1 bungalow (nhà gỗ) với 6 phòng nghỉ; 1 nhà sàn, 6 phòng nghỉ bình dân với sức chứa khoảng 50 du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng, đã mang lại cho gia đình anh Thược khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động, với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

“Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rõ nét, có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn, và tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương”, anh Thược hào hứng nói.

Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn
Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn

Du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo

Tương tự anh Hà Văn Hoanh, cũng xuất thân trong một gia đình nghèo ở bản Đôn. Nhận thấy tiềm năng du lịch lớn ở quê hương mình, năm 2015, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà sàn và một số phòng nghỉ làm homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. 

Sau vài năm hoạt động có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư làm mới cảnh quan, mua sắm thêm vật dụng tiện nghi, hệ thống nước nóng lạnh, mạng wifi; học cách chụp ảnh, tham gia mạng xã hội để đăng bài giới thiệu về homestay, cuộc sống của người dân và vẻ đẹp thiên nhiên của bản. Qua đó, thu hút nhiều du khách tìm đến homestay của gia đình.

Trung bình, mỗi năm anh Hoanh đã có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay ở bản Đôn thu hút nhiều du khách đến tham quan nghỉ lại cuối tuần
Khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay ở bản Đôn thu hút nhiều du khách đến tham quan nghỉ lại vào những dịp cuối tuần

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, cũng như các địa điểm du lịch trong cả nước, du lịch bản Đôn cũng rơi vào tình trạng vắng bóng du khách, người dân không có thu nhập, buộc phải làm các công việc khác cầm chừng. Song, khi dịch được kiểm soát từ đầu năm 2022, đến nay, bản Đôn lại nhộn nhịp, tất bật đón khách.

Hiện bản Đôn có 24 hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng. Việc phát triển mô hình du lịch này, không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao, mà còn tạo việc làm nhiều người trong bản. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Năm 2019, bản Đôn đã về đích Nông thôn mới, hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm đánh giá, những hoạt động homestay của hộ gia đình, các nhà đầu tư tại bản Đôn đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa mong muốn đưa đời sống, văn hóa của dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. 

"Xã Thành Lâm đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, cũng như khuyến khích các hộ ở bản Đôn đầu tư cho các mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống"./.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.