Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làng cổ của người Ba Na bên dòng sông Đăk Bla

Đ. Dương - 09:43, 25/05/2022

Làng cổ Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa,TP. Kon Tum nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng. Đây là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Kon Tum với tuổi đời trên 300 năm. Nhiều năm nay, người Ba Na ở đây đã biết làm du lịch như mở homestay, tổ chức đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, dựng nhà sàn ... để thu hút du khách đến tham quan.

Nhà rông nơi thu hút khách du lịch tại làng
Nhà rông làng Kon K'tu

Làng cổ bên sông

Cách trung tâm TP. Kon Tum 6 km về hướng đông, làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa) như một khoảng lặng yên bình giữa ồn ào phố thị. Dù làng trong phố, thế nhưng Kon K’tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người Ba Na. Đây là nơi sinh sống của 138 hộ dân, với hơn 736 nhân khẩu. Trải qua năm tháng ngôi làng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hoang sơ riêng biệt của người Ba Na. Trong làng phần lớn vẫn là những căn nhà sàn theo kiểu truyền thống. Thậm chí vẫn còn nhiều ngôi nhà vách đất nhuốm màu năm tháng.

Làng Kon K’tu nằm ở vị trí rất đặc biệt, có sông, ghềnh thác, các bãi cát trải dài dọc theo bờ sông bao bọc quanh làng, một số bãi phù sa màu mỡ được bồi đắp qua các năm, rừng được tái sinh ngày một thêm phát triển. Điểm nhấn đặc biệt, là đoạn sông phía sau lưng nhà rông, có các bãi cát bồi trải rộng và dài, bên kia sông là núi cao, tạo nên khung cảnh vừa nên thơ, vừa hùng vỹ của đất trời Tây Nguyên, dòng sông luôn giữ được nguồn nước trong xanh.

Nhờ có nhánh sông Đăk Bla chảy qua, cùng với địa hình đặc trưng của khu vực cao nguyên, trải qua thời gian hàng bao đời nay, giúp người dân nơi đây hình thành và phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, mang những nét đặc trưng riêng của địa phương.

Du khách tham quan trải nghiệm đan lát tại nhà nghệ nhân A Hùng
Du khách tham quan trải nghiệm đan lát tại nhà nghệ nhân A Hùng

Ông A Đưn, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Kon K’tu cho biết, tiếng Ba Na, Kon có nghĩa là làng, còn K’tu có nghĩa là cổ. Chẳng biết làng này có từ khi nào, già chỉ nhớ cha ông kể lại làng có lịch sử hơn 300 năm. 

“Làng Kon K’Tu chúng tôi vẫn luôn giữ được truyền thống văn hóa của người Ba Na. Đặc biệt là duy trì và bảo dưỡng nhà rông nguyên vẹn kiến trúc, bản sắc của đồng bào dân tộc Ba Na với vật liệu hoàn toàn từ tự nhiên như gỗ, tre, nứa, mái tranh,… thiết kế rất khéo léo và công phu được phô diễn qua các hoa văn riêng biệt của người dân tộc Ba Na nơi đây”, ông A Đưn giới thiệu.

Ông A Đưn vui mừng cho biết thêm, nhà rông của làng vừa được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa lại trước Tết vừa rồi, nay trông rất mới và đẹp.

Phụ nữ Ba Na chuẩn bị món ăn đón khách
Phụ nữ Ba Na chuẩn bị món ăn đón khách

Điểm du lịch hấp dẫn

Từ phố thị Kon Tum, qua cầu treo Kon Klor, chạy dọc dòng sông Đăk Bla, chúng ta có thể nhìn thấy ngôi làng cổ Kon K'tu. Điều đặc biệt làng Kon K’tu có vị thế khá lý tưởng, vừa đứng bên núi, lại nằm cạnh sông, không khí khá trong lành.

Nhờ có vị trí thuận lợi không xa trung tâm TP. Kon Tum, với khung cảnh độc đáo, trong những năm qua, các công ty lữ hành nội địa và quốc tế tại Kon Tum; cũng như các công ty lữ hành ngoài tỉnh, các cá nhân yêu thích du lịch khám phá và tìm hiểu văn hóa.., đã xúc tiến các tour du lịch để đưa du khách đi tham quan, khám phá tại làng.

Nhờ đó, một số hộ người Ba Na tại làng Kon K’tu từ lâu đã biết làm du lịch; hiện nay cả cộng đồng làng Kon K’tu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xem du lịch là một ngành kinh tế hái ra tiền để trang trải cuộc sống. Người dân đã mở homestay, tổ chức đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, dựng nhà sàn phục vụ cho du khách đến tham quan…

Nhận thấy, việc xây dựng nơi lưu trú cho các đoàn khách du lịch là cần thiết, để phục vụ khách du lịch, anh A Câm và nhiều người dân làng Kon K'tu đã tích góp, gom tiền để xây dựng mô hình homestay.

Anh A Câm kể lại: Ngày xưa gia đình anh làm nhà sàn, hướng dẫn du khách đi tham quan và giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của người Ba Na. Ngày đó, cả làng chỉ có 1 hộ ông A Ben là có nơi lưu trú, du khách đến làng chỉ để tham quan, chụp hình, ngắm cảnh đa số đều không ở lại làng,... Bởi lúc bấy giờ, làng không có khách sạn hay nhà nghỉ nào khác, cả dịch vụ ăn uống cũng không có. Chính vì vậy, gia đình tôi đã tích góp tiền để xây dựng homestay nho nhỏ theo kiểu đơn sơ, giữ nguyên bản sắc truyền thống của nhà sàn người Ba Na.

“Qua thời gian, tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, cùng với việc tích cực học hỏi thêm kiến thức, được xã, thành phố cho đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng, nên hiện nay hometay của tôi vừa đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách, vừa có thể phục vụ thêm cho khách du lịch các món ăn truyền thống khi có khách có nhu cầu", anh A Câm chia sẻ.

Làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Làng du lịch cộng đồng năm 2020. Bên cạnh cảnh quang, kiến trúc độc đáo, người dân ở đây cũng rất hiền hoà và mến khách, có tính cộng đồng rất cao.

Đặc biệt, hầu hết nam, nữ thanh thiếu niên trong làng đều biết sử dụng nhạc cụ cồng chiêng truyền thống của dân tộc và rất nổi tiếng với điệu múa xoang để biểu diễn trong những mùa lễ hội, hoặc khi có khách du lịch đến tham quan tại làng.

Một số nghề truyền thống gắn liến với đời sống người dân vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Với hầu hết người phụ nữ Ba Na ở làng cổ Kon K’tu, tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn, không chỉ là tác phẩm được làm bằng tay kì công, mà còn là sự sáng tạo và nơi gửi gắm những tình cảm, tâm tư của họ.

Bà Y Yin dệt thổ cẩm
Bà Y Yin dệt thổ cẩm

Bà Y Yin cho biết, hiện nay dệt thổ cẩm cũng thu hút rất nhiều du khách tham quan du lịch, có rất đông du khách muốn trải nghiệm tự dệt riêng cho mình một sản phẩm. Nên bà cảm thấy rất vui và muốn giữ lại nghề để du khách gần xa biết đến làng mình.

Bên cạnh đó, tại thôn Kon K’tu hiện vẫn còn lưu giữ được nghề tạc tượng gỗ, đan lát mây tre. Ông A Hùng, nghệ nhân duy nhất trong thôn vẫn đang miệt mài gìn giữ, tạo được thu nhập ổn định từ những sản phẩm tượng gỗ và đan lát các vật dụng như gùi, rổ, rá,… do chính tay mình làm ra.

Ông Hùng cho biết: “Mỗi bức tượng gỗ tôi bán từ 500 đến 1 triệu đồng, đối với gùi thì cũng 200 đến 300 nghìn đồng, tùy thuộc vào kích thước. Sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công nên du khách đến đây rất thích thú”.

Nghệ nhân A Hùng hướng dẫn con cháu tạc tượng
Nghệ nhân A Hùng hướng dẫn con cháu tạc tượng

Ngoài ra, đến đây khách du lịch còn được trực tiếp trải nghiệm thực hành cùng nghệ nhân các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát, chế tác và chơi các loại nhạc cụ dân tộc như T'rưng, cồng chiêng… Du khách đến làng còn được tham gia làm các món ăn truyền thống với tổ ẩm thực của làng, xuống suối bắt cá, gội đầu bằng nước lá truyền thống...

Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, từ khi được công nhận làng Du lịch cộng đồng, nhận thức của bà con đã thay đổi. Bà con Ba Na trong làng đã biết khai thác tiềm năng làm du lịch. Khi tham gia vào làm du lịch cộng đồng, bà con được hưởng lợi nhiều hơn về chính sách ưu đãi vốn vay, xã cũng giới thiệu nhiều du khách đến tham quan hơn. Nhờ đó, bà con vừa có tiền dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có như gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu ghè, kết hợp đan lát…, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.