Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Bàn giải pháp liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ

PV - 18:10, 30/11/2022

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, của cả nước với 32% tổng sản phẩm quốc nội và 44,7% thu ngân sách của cả nước (năm 2020). Tuy nhiên, ngành du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng văn hóa giàu lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào.


Du khách dạo chơi trong cánh đồng hoa tại khu du lịch sinh thái Đảo Ó - Đồng Trường (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Du khách dạo chơi trong cánh đồng hoa tại khu du lịch sinh thái Đảo Ó - Đồng Trường (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra vừa qua tại tỉnh Bình Phước, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng Đông Nam Bộ cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương - 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ. "Cùng đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu; tránh việc quảng bá, xúc tiến thiếu trọng tâm, trọng điểm; liên kết chặt chẽ để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vùng hiệu quả, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao thương hiệu điểm đến của vùng, tăng sức hút, sự hấp dẫn với khách du lịch", bà Phan Thị Thắng chia sẻ.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc hợp tác, liên kết là cơ hội để thu hút đầu tư giữa những địa phương; cơ hội để trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; cơ hội tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, khu vực.

Tại hội nghị, đại diện 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ thống nhất cho rằng, thời gian tới, các địa phương tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành chương trình (tour), tuyến du lịch liên kết.

Đồng thời, tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các điểm đến du lịch; đầu tư nâng cấp thêm các cơ sở dịch vụ về du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng nghỉ, khu mua săm phục vụ khách đoàn; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng Đông Nam Bộ; tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch.

Cùng đó, xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam Bộ tham gia các sự kiện du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; phối hợp xây dựng và thúc đẩy phát triển các chương trình du lịch cho toàn vùng.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,5 triệu lượt khách với doanh thu hơn 259.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, 11 tháng năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2,73 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt 96,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 457 nghìn tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch năm 2022, nhưng chỉ đạt 60% so với năm 2019.

Trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển... Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

"Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần thực hiện rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước; tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng có thế mạnh. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng; hình thành những điểm đến vệ tinh, gần với trung tâm du lịch TP Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, trên các nền tảng số và mạng xã hội", Thứ tưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ thống nhất, thời gian tới cần tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương. Từ đó, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển du lịch đến các địa phương trong chương trình liên kết.

Bên cạnh đó, tạo lập không gian du lịch thống nhất của vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; tạo môi trường giao lưu, liên kết các doanh nghiệp du lịch trong vùng cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm, đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch.

Cụ thể, 6 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ sẽ tổ chức khảo sát điểm đến của các tỉnh, thành phố trong vùng, xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh Đông Nam Bộ gồm: tuyến TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa- Vũng Tàu - Đồng Nai; tuyến TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh; tuyến TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước.

Cùng đó, tổ chức chương trình tọa đàm kết nối sản phẩm du lịch đặc trưng các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và công bố các chương trình tour; tổ chức đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh K’ratie, Stung Treng (Campuchia), Champasak (Lào), tỉnh UBon Ratchathani (Thái Lan) và đi khảo sát, đánh giá các điểm đến kết nối phát triển du lịch trong chương trình ký kết du lịch với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan (chương trình famtrip quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Bình Phước); khảo sát, kết nối chương trình du lịch vùng Đông Nam Bộ với các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên; khảo sát, tìm hiểu các điểm đến du lịch mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, khảo sát sản phẩm du lịch tại các điểm đến tỉnh Đồng Nai; các hoạt động quảng bá, kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.