Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bản Thằm Thẩm có Và Bá Ca

Nguyễn Thanh - 01:37, 25/10/2023

Hành trình đến với Thằm Thẩm – một bản làng nằm ở xã biên giới Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) chắc chắn phải hơn “chín suối, mười đèo”. Nhưng ở vùng đất bộn bề khó khăn, vất vả của nắng gió biên thùy ấy, có những con người hay lam hay làm, không ngại khó ngại khổ, ví như Trưởng bản người Mông “nói dân tin và làm dân theo” – Và Bá Ca.

Cây sắn là một trong những loại cây góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Và Bá Ca và nhiều gia đình khác của bản Thằm Thẩm
Cây sắn là một trong những loại cây góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Và Bá Ca và nhiều gia đình khác của bản Thằm Thẩm

Trên vùng đất mới

Thằm Thẩm mùa này sương mù và mây nhiều hơn. Khí hậu miền biên viễn dù chỉ chớm đông nhưng đã lạnh lắm rồi. Vượt mấy con dốc ngắn, mồ hôi ai nấy đã lấm chấm nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Ấy vậy mà Và Bá Ca thì như không hề hấn gì. Vị trưởng bản này cười: quen thôi mà. Cứ suốt ngày trèo núi, lội khe lao động sản xuất, thành ra khỏe thôi.

Rồi Và Bá Ca nói tiếp: “Nhà ta trước ở trên núi kia” – chúng tôi nheo mắt nhìn theo mà chỉ thấy mây núi và sương mù. Hồi ấy phải xoay xở đủ đường đó. Sau nhiều lần xuống núi, tôi thấy bản Thằm Thẩm đất đai, khí hậu tốt, lại có con đường tỉnh lộ mới mở rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Vậy là mình bàn với vợ di chuyển nhà".

Theo lời Và Bá Ca, Thằm Thẩm trước đây có khoảng 20 hộ đồng bào Khơ Mú sinh sống. Và Bá Ca là người Mông. Về nơi ở mới, có rất nhiều khó khăn. Khi đã dựng được cái nhà tạm, bắt tay làm chuồng trại, xin đất khai hoang trỉa ngô, trồng gừng, vỡ đất làm lúa nước… dân bản Thằm Thẩm lại cho đó là viển vông. Hàng bao đời, người Khơ Mú nơi đây chỉ đủ ăn đã khó, còn làm giàu là điều không thể.

Rẫy sắn của trưởng bản Và Bá Ca
Rẫy sắn của trưởng bản Và Bá Ca

Và Bá Ca nghĩ rằng, đất đai ở Thằm Thẩm còn tốt hơn, bằng hơn, lại gần đường giao thông hơn bản cũ, lẽ nào không thể làm giàu. Nghĩ vậy và cho đó là động lực, Và Bá Ca quyết tâm bỏ công, bỏ sức lao động, sản xuất. Sẵn có “gen” siêng năng, chăm chỉ của người Mông, Và Bá Ca mày mò nghiên cứu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăm sóc cây trồng cũng như vật nuôi.

Mưa thuận, gió hòa; lòng người nhẫn nại, quyết tâm… kinh tế gia đình Và Bá Ca ngày một khấm khá lên nhờ chăn nuôi và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cấy trồng. Chỉ sau mươi năm ở vùng đất mới, Và Bá Ca đã có trong tay mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo từ 5-7 con, chăn nuôi chăn thả vùng hơn 30 con trâu bò; hơn 1,5ha trồng đào, với thu nhập hằng năm từ bán cành đào khoảng 50-70 triệu đồng; trồng sắn cao sản với diện tích 1,5 ha. Bình quân thu nhập hàng năm của gia đình Và Bá Ca là 150- 200 triệu đồng.

Khỏi phải nói, người dân bản Thằm Thẩm tròn mắt đến cỡ nào. Rồi không ai bảo ai, nhiều người trong bản đã đến tham quan, học tập và được Và Bá Ca tận tình hướng dẫn. Và hộ gia đình anh Moong Văn Hợi, dân tộc Khơ Mú là một trong số đó. Anh Hợi chia sẻ: Ban đầu vợ chồng thấy cật lực quá, muốn bỏ cuộc để quay lại cách sản xuất cũ. Thấy vậy, anh Ca vẫn tận tình đến tận nơi để bày cách chặn dòng lấy nước, khoanh đất làm ruộng, trồng gừng, chia từng đùm cơm nắm giữa trưa nắng hay mùa đông rét mù sương. Vợ chồng nhủ nhau cố gắng, rồi cuối vụ thu hoạch về nào ngô nào bí xanh, thóc lúa đầy nhà, không còn phải lo bữa cho con, khi đó mới thấy anh Ca không chỉ nói hay còn làm rất giỏi.

Bản nghèo đổi thay

Tiếng lành đồn xa, những người Mông ở bản Huồi Cọ cách đó nhiều cánh rừng, cũng xuống núi xin học theo mô hình anh Ca để phát triển kinh tế gia đình. Nói được, làm được; năm 2008, khi bầu chọn nhân sự cho bản, Và Bá Ca đã trở thành lựa chọn duy nhất với cương vị Trưởng bản Thằm Thẩm.

Các đơn vị, bà con nhân dân quanh vùng đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt của Và Bá Ca
Các đơn vị, bà con Nhân dân quanh vùng đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt của Và Bá Ca

Đảm trách cương vị mới, Và Bá Ca luôn tâm niệm lời dạy của Bác “cán bộ phải đi đầu, làm trước” để phát huy hết vai trò của mình. Thế rồi, anh đã tập hợp các thành viên Cấp ủy, Ban quản lý bản đoàn kết cùng tìm ra hướng phát triển kinh tế ổn định cho người dân.

Hàng năm, bám Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã, huyện, dựa vào thực tế bản mình, Và Bá Ca và cấp ủy, chính quyền bản Thằm Thẩm đã bàn bạc để cùng thống nhất ý kiến, chương trình hành động cho từng giai đoạn, từng năm.

 Đặc biệt, anh đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các chi hội để tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự vươn lên thoát nghèo. Điều thấy rõ nhất, qua quá trình vận động người dân cùng khai hoang làm ruộng nước để giảm bớt tỷ lệ phá rừng làm rẫy, thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn đưa giống cây con có hiệu quả kinh tế như gừng, bí xanh, khoai sọ vào sản xuất và chăn nuôi tập trung… đời sống bà con bản Thằm Thẩm đã nâng lên một bước.

Nghe lời Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Vi Văn Hòa nhận xét,chúng tôi cũng thấy vui thay: Với một xã biên giới, nhiều khó khăn như Nhôn Mai, để có được thành quả đó phải có những cán bộ như đồng chí Ca. Phải dám nghĩ, dám làm mới có thể góp phần giúp bản từng có đến hơn 80% hộ nghèo vào năm 2015 về trước, nay đã giảm chỉ còn 5/25 hộ và từ 1 bản có nguy cơ trắng đảng viên, nay đã có 9 đảng viên. Đảng bộ Nhôn Mai rất tự hào vì ở những bản xa xôi, khó khăn lại có những người như Và Bá Ca  "nói được người dân tin và làm dân theo"

Trở lại câu chuyện với Và Bá Ca, độ 7 đến 8 năm về trước, cả vùng quanh bản Thằm Thẩm chỉ là cây lau, cỏ bụi. Cũng có đôi chỗ người dân phát trỉa ngô, trồng lúa rẫy. Thành ra, cả một khu rừng màu xanh đến mùa lại nhìn như manh áo nhà nghèo, vá chằng vá đụp, nhưng quanh năm vẫn đói.

Đời sống bà con bản Thằm Thẩm đang ngày một đổi thay
Đời sống bà con bản Thằm Thẩm đang ngày một đổi thay

Nhắc lại là để thấy tư tưởng, suy nghĩ của bà con về phát triển kinh tế; khai thác lợi thế vùng đất còn chưa tốt, ngại thay đổi. Ngay như việc chuyển đổi diện tích trồng chanh leo kém hiệu quả sang trồng sắn cao sản cũng là một “cuộc cách mạng” về tư tưởng.

Còn nhớ, năm 2016, bản Thằm Thẩm được xã, huyện đầu tư phát triển Hợp tác xã Chanh leo, với quy mô hơn gần 10ha. Sau nhiều vụ quả ngọt, mang lại đổi thay ở bản biên viễn này, thì sau đó chanh đã tự thoái hóa, năng suất thấp. Dẫu vậy thì bà con nơi đây vẫn chưa dám phá bỏ chanh leo để trồng thay thế loại cây khác.

Thấy thế, Và Bá Ca đã cùng các thành viên trong cấp ủy, Ban quản lý bản trấn an tư tưởng người dân; đồng thời đi nhiều vùng, nhiều bản để học hỏi và tìm ra giống sắn cao sản thích hợp với đất đai, khí hậu để gieo giống. 

Bản thân anh Ca đã mạnh dạn đi đầu phá bỏ hơn 2ha diện tích chanh leo sâu bệnh để trồng sắn. Thấy cây sắn dễ chăm sóc lại cho nhiều củ, dễ tiêu thụ, tiền thu về xứng đáng với công sức bỏ ra, Và Bá Ca đã vận động Nhân dân lên từng rẫy, phát từng khoảnh, chia từng cây giống và tận tay chỉ bày cho các hộ. Từ 3 hộ lên 5 hộ, 10 hộ rồi cả bản đã chuyển đổi diện tích chanh leo kém hiệu quả và một phần diện tích hoang hóa sang trồng sắn cao sản, phủ một màu xanh trên 18ha đất sản xuất của bản. Với năng suất từ 16-17 tấn/ha, trung bình bán ra thị trường từ 17-19 triệu/tấn đã mang lại thu nhậpcao cho người dân.

Nếu không đủ kiên nhẫn, không đủ yêu thương thì thật khó để đến với vùng đất bộn bề Thằm Thẩm. Nhưng đi và đến tận nơi, mới thấy hành trình đã trải qua đong đầy ý nghĩa. Ở đó, có những con người hay lam hay làm với ý chí vượt khó, ở đó có một Người có uy tín, Trưởng bản người Mông năng động và sáng tạo Và Vá Ca. 


Tin cùng chuyên mục
Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Để có những thông tin chính xác, đầy đủ về thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Nghệ An, các Điều tra viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, Điều tra viên phải mất cả hàng giờ đi bộ, thậm chí ngồi thuyền máy vượt lòng hồ… mới khai thác đầy đủ thông tin của từng hộ.