Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Bánh thuẫn - hương vị Tết xưa

Ngọc Thu - 07:19, 08/01/2025

Với hương vị thơm ngọt, mềm xốp, bung nở như cánh hoa mai vàng gọi xuân về… bánh thuẫn đã trở thành đặc sản truyền thống được dùng trong dịp Tết cổ truyền tại Tp. Pleiku (Gia Lai). Ngày nay, việc làm bánh thuẫn không chỉ phục vụ ngày Tết mà còn giữ gìn nét văn hóa xưa qua bao thế hệ người dân phố núi.

Bánh thuẫn có màu vàng nhạt, bung nở 5 cánh như hoa mai gọi xuân về
Bánh thuẫn có màu vàng nhạt, bung nở 5 cánh như hoa mai gọi xuân về

Những ngày cận tết, chúng tôi ghé thăm lò bánh thuẫn gia truyền hơn 40 năm của bà Trần Thị Mỹ Lệ (77A Trần Quý Cáp). Đến đầu đường, mùi thơm dìu dịu đưa tôi đến nhanh hơn tới nhà bà Lệ, để tận hưởng hương vị thân quen, truyền thống của Tết xưa.

Bà Lệ đã có hơn 40 năm trong nghề làm bánh thuẫn
Bà Lệ đã có hơn 40 năm trong nghề làm bánh thuẫn

Bà Lệ năm nay 66 tuổi, đã có khoảng 40 năm làm bánh thuẫn. Theo bà Lệ kể, nghề làm bánh thuẫn có từ lâu đời, do ông bà cha mẹ truyền lại, rồi gia đình vẫn giữ nghề làm truyền thống bằng thủ công sử dụng lò củi than đốt để làm chín bánh. Thời gian đầu, bà làm một lò bánh ở Trung tâm thương mại Pleiku cung cấp cho khách hàng. Sau thời gian khách đã quen, bà chuyển về nhà ở đường Trần Quý Cáp tiếp tục làm bánh. Khách hàng cũng vì yêu thích hương vị bánh thuẫn của bà mà đến tận nhà mua.

Chị Đào có bí quyết làm bánh thuẫn thơm ngon, hấp dẫn, được nhiều khách hàng gần xa chọn mua
Chị Đào có bí quyết làm bánh thuẫn thơm ngon, hấp dẫn, được nhiều khách hàng gần xa chọn mua

Trên một góc ở chợ Bà Định (51 Hồ Xuân Hương), lò bánh thuẫn của chị Lê Thị Đào cũng luôn đỏ lửa đúc bánh thuẫn, hương thơm ngào ngạt bay khắp phố phường. Đôi tay vừa nhanh thoăn thoắt đổ nguyên liệu vào khuôn, chị Đào vừa nói: Gần Tết, lò bánh của tôi luôn đỏ lửa từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya để kịp đúc bánh cho các đơn hàng trong dịp Tết cổ truyền. Trung bình, mỗi ngày làm được 4.000 cái. Khách hàng gần xa đến cơ sở lấy bánh bỏ sỉ ở các chợ, tạp hóa trên địa bàn tỉnh.

Người làm bánh dùng khuôn có lửa than phía trên để đậy lại nướng bánh thuẫn
Người làm bánh dùng khuôn có lửa than phía trên để đậy lại nướng bánh thuẫn

"Để có những cái bánh thuẫn thơm ngon, đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến khâu trộn nguyên liệu lại với nhau cho đều rồi được đổ vào khuôn, xong đem bánh đi sấy khô…", chị Đào cho hay.

Nghề làm bánh thuẫn cũng lắm công phu. Nguyên liệu làm bánh thuẫn gồm trứng gà, bột mì, sữa và gừng rồi đều hoặc đánh nhuyễn bằng máy xay bột và cho đường trắng vừa đủ, để bánh không quá ngọt cũng không quá khô. Nếu muốn bánh thuẫn có mùi vị độc lạ hơn, có thể cho thêm gừng, quế, dừa…

Tiếp theo, nhóm lò than lên lửa hồng riu riu, đưa khuôn bánh (phía trong chia thành nhiều ô) lên lò cho nóng. Sau đó, dùng dầu xoa một lớp mỏng để chống dính, rồi dùng muỗng đổ hỗn hợp đã đánh vào từng khuôn rồi đậy nắp lại. Than củi được đặt trên cả nắp khuôn để bánh được nở đều. Bánh được nướng trong khuôn khoảng 5 phút, rồi tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả màu vàng là bánh đã chín. Bánh sau khi lấy ra khỏi lò được xếp lên các nia lớn.

Bánh thuẫn có mùi thơm dịu nhẹ, xốp mềm…
Bánh thuẫn có mùi thơm dịu nhẹ, xốp mềm…

Các công đoạn làm bánh tuy đơn giản, thế nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung như 5 cánh hoa mai ra thì không phải dễ dàng. Bí quyết nằm ở nguyên liệu, cách pha những nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ nhất định và đánh đều tay. Đặc biệt, canh lửa vừa tới, thời gian để bánh chín không bị cháy…

Bà Lệ cho biết, ngày xưa tết đến, cũng có đến hàng chục hộ làm bánh thuẫn. Bánh thuẫn đạt chuẩn là bánh có màu vàng ươm phía dưới, còn phía trên bánh có hình cánh hoa màu vàng nhạt và bánh phải có mùi thơm. Hoa bánh càng đều cánh thì càng đẹp, khách hàng rất thích chọn bánh mua về trưng ban thờ ngày Tết.

Chìm đắm trong hương vị bánh thuẫn - món quà quê dân dã, mộc mạc, chúng tôi như được về với cảm giác chộn rộn của chiều ba mươi Tết thuở nào, nhà ai cũng hối hả gói bánh chưng, bánh tét, đúc bánh thuẫn, làm mứt gừng, mứt dừa... Mùi khói bếp quyện với mùi hương bánh theo từng cơn gió lạnh, cuốn theo mùi rơm rạ thơm nức từ đầu ngõ đến tận cuối làng.

Người dân phố núi Pleiku giữ nghề truyền thống làm bánh thuẫn phục vụ nhu cầu khách trong dịp Tết
Người dân phố núi Pleiku giữ nghề truyền thống làm bánh thuẫn phục vụ nhu cầu khách trong dịp Tết

Mùi vị quen thuộc, bỗng cho tôi một nỗi nhớ miên man về vùng quê ấm áp với rộn rã tiếng nói cười thân quen. Đường làng quê rực sắc hoa, những em nhỏ hân hoan trong chiếc áo mới, người lớn nghiêm trang trong chiếc áo dài, thành kính thắp nhang bên ngôi chùa đầu làng, khấn cầu mong một năm bình an, no đủ...

Ngày nay, mặc dù có nhiều loại bánh công nghiệp nhưng bánh thuẫn vẫn chiếm vị thế nhất định trong lòng người dân phố núi Pleiku. Bởi đó chính là nghề truyền thống được giữ gìn qua bao thế hệ, đó là hương vị quê hương, là một vật phẩm để cúng tổ tiên và làm quà tặng cho nhau khi mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Kon Tum: Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Kon Tum là vùng đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia; có hệ sinh thái vô cùng phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do đó, Kon Tum được biết đến như vùng đất của thiên nhiên, văn hóa và lễ hội, nơi mà đất và người hòa quyện, bình yên, khoáng đạt đến vô cùng. Với những lợi thế đó, tỉnh Kon Tum đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và tỉnh đề ra nhiều giải pháp để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.