Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Báo động về tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở Điện Biên Đông

Vũ Lợi - 14:36, 29/10/2019

Điện Biên Đông là huyện vùng cao nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên với chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Thái sinh sống. Những năm qua, huyện là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong rất cao. Thực trạng này hiện đang là bài toán khó giải quyết đối với chính quyền địa phương, cũng như ngành Y tế.

Tình trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại Điện Biên Đông đang ở mức đáng báo động.
Tình trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại Điện Biên Đông đang ở mức đáng báo động.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, năm 2017, toàn huyện có tới 90 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, nhiều nhất là các xã: Phì Nhừ (17 trường hợp), Pú Nhi (10 trường hợp). Đến năm 2018, toàn huyện chỉ giảm được 2 ca so với năm 2017. Các xã chiếm tỷ lệ cao vẫn là các xã có giao thông đi lại khó khăn, kinh tế kém phát triển, như: Phì Nhừ (14 ca), Háng Lìa (11 ca); Phình Giàng (10 ca)… Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm nay, toàn huyện cũng đã ghi nhận có tới 48 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. 

Trong số các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại địa bàn Điện Biên Đông, chiếm phần lớn là trẻ dưới 1 tuổi, với tỷ lệ trung bình luôn ở ngưỡng khoảng 80% các năm. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là các bệnh về phổi, suy hô hấp cấp, suy dinh dưỡng… 

Ông Vàng Quốc Minh, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm cho biết, trung bình mỗi năm ở xã đều có 5 - 7 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Nguyên nhân cơ bản đều xuất phát từ nhận thức của bà con, khi chưa chăm sóc con cái thực sự chu đáo. “Họ rất bận bịu với công việc làm nương. Sáng đi tối về, khi con ốm họ lại không cho đi khám ngay dẫn đến bệnh ủ dài ngày, trẻ càng bệnh nặng hơn, lúc đến bệnh viện thì nhiều khi đã quá muộn” , ông Minh trăn trở nói. 

Ghi nhận từ thực tế tại Điện Biên Đông, đối với những địa bàn gần trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nhận thức của người dân cao hơn, thì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong cũng được hạn chế ở mức thấp. Các xã xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng khó khăn, thì luôn chiếm tỷ lệ cao. Thống kê cho thấy, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống thì nguy cơ tử vong luôn cao hơn trẻ em ở những khu vực khác.

Bác sĩ Ly A Nụ, Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện cho biết, một số phụ nữ khi mang thai không đến cơ sở y tế để được khám thai định kỳ, tiêm chủng đầy đủ. Ở nhiều nơi, người dân đi làm nương còn mang trẻ đi theo trong khi thiếu quần áo để giữ ấm. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn luôn ở mức đáng báo động, dẫn đến nhiều gia đình quá đông con, thiếu quan tâm chăm sóc cho trẻ, thậm chí là dửng dưng khi có bệnh. Rất nhiều trường hợp được đưa đến Trung tâm Y tế trong tình trạng bệnh đã rất nặng, khó cứu chữa.

 Trao đổi về nội dung này, ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Chính quyền địa phương cũng đang đưa ra rất nhiều giải pháp để giảm thiểu tỷ lệ trẻ tử vong. Tuy nhiên, cái khó là do địa bàn kinh tế còn nghèo, nhiều khó khăn về giao thông, sự đồng thuận của người dân còn chưa cao, chưa hợp tác, khiến đội ngũ y tế phải rất vất vả để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Dù các cơ sở y tế đã được cung cấp trang thiết bị rất tốt, song nếu người dân thiếu sự quan tâm đối với con em mình thì thực trạng này vẫn sẽ còn diễn ra.

Tin cùng chuyên mục