Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bao giờ người nông dân ra khỏi vòng luẩn quẩn " trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng"?

Trọng Bảo - 16:20, 13/05/2021

Cây cao su một thời từng được ví là "vàng trắng", do vậy nhiều hộ dân ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã không tiếc tay chặt bỏ các loại cây trồng như dứa, chuối để trồng cao su. Thời gian gần đây, cao su đã đến kỳ cho khai thác mủ nhưng không có người mua, nông dân xã Bản Lầu lại chặt bỏ cao su để quay về trồng chuối, dứa!..

Sau khi cây cao su đến tuổi khai thác mủ nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ bắt đầu chặt bỏ.
Sau khi cây cao su đến tuổi khai thác mủ nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ bắt đầu chặt bỏ.

Gia đình anh Thào Thắng, ở thôn Cốc Phương, là một trong những hộ tiên phong đưa cây cao su vào trồng vào những năm 2008 - 2009. Theo anh Thắng, giá mủ cao su thời điểm đó khoảng 21 nghìn đồng/kg, mà trồng cây này lại được khai thác nhiều năm nên giá trị kinh tế cao. 

"Gia đình mình trồng 800 cây, mỗi cây giống là 15 nghìn đồng, tính cả công thuê trồng nữa, thì với gần 2 ha gia đình cũng đã đầu tư hơn trăm triệu”, anh Thắng nhớ lại.

Nhờ được chăm sóc tốt, cây cao su lại hợp với đồng đất nơi đây nên diện tích cao su của gia đình anh Thắng phát triển nhanh, mang theo bao hy vọng của cả gia đình về một loại cây trồng có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, khi cây cao su đến thời kỳ cho thu hoạch mủ thì cũng là lúc thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá mủ xuống thấp. 

Anh Thắng cũng như nhiều hộ dân trong thôn, vẫn kiên trì chờ đợi với hy vọng qua thời kỳ khó khăn thì giá mủ cao su sẽ phục hồi trở lại. Nhưng, càng chờ càng thất vọng khi mà giá cao su xuống quá thấp. Nếu cố thu hoạch thì không đủ trả tiền thuê nhân công, bởi khai thác mủ cao su đòi hỏi cần có kỹ thuật không thể thuê lao động phổ thông được.

Anh Thắng chia sẻ, ở đây Bản Lầu, nhiều năm nay gia đình anh cũng như các hộ trong thôn vẫn trồng dứa và chuối cho hiệu quả kinh tế ổn định. Nhưng để có đất trồng cao su, gia đình anh phải phá bỏ cây dứa, cây chuối để trồng, nay thất vọng hoàn toàn. 

"Chờ đợi mãi mà giá cao su không chuyển biến, người mua thì cũng chẳng có nên gia đình quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích cao su để chuyển sang trồng dứa, dù rất tiếc công sức, tiền của đã bỏ ra bao năm nay”, anh Thắng tâm sự.

Một khoảng đồi trồng cao su đến ngày khai thác nhưng không tìm được đầu ra
Cây cao su đến ngày khai thác nhưng không tìm được đầu ra

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở thôn Cốc Phương có 17 hộ trồng cao su, nhà ít thì vài trăm cây, nhà nhiều cũng trên dưới 2 nghìn cây, nhưng đến nay đã phá bỏ gần hết. Những cây to được các xưởng gỗ đến mua với giá 1,2 triệu đồng mét khối gỗ, những cây nhỏ không bán được các hộ đành để… làm củi.

Không giống như những cây trồng khác, cây cao su là loại cây trồng lâu năm, thông thường phải mất khoảng 8 năm mới có thể thu hoạch mủ. Trong thời gian đó, bà con nông dân phải bỏ ra không ít công sức và tiền của.

Cùng với thôn Cốc Phương, trên địa bàn xã Bản Lầu hiện có rất nhiều hộ đang "vỡ mộng" vì "vàng trắng". Thống kê của UBND xã cho thấy, toàn xã có 87 hộ trồng cao su, với tổng diện tích 176 ha, tập trung ở 9/15 thôn. Sau khi cây cao su đến tuổi khai thác mủ nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ bắt đầu chặt bỏ và chuyển đổi sang trồng dứa, chuối.

Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: “Nhìn bà con phá bỏ cao su dù đã đổ vào đó nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc, chúng tôi cũng rất xót xa nhưng cũng không dám khuyên bà con để lại vì thực sự đến nay cũng chưa có đầu ra”.

Ông Kiên cũng cho biết thêm, Bản Lầu có cây trồng thế mạnh là chuối và dứa, nhưng trước đây, bà con nông dân chủ yếu trồng tự phát, chưa gắn với thị trường. Tuy nhiên, hiện tại thị trường tiêu thụ chuối, dứa đã tương đối ổn định. Đặc biệt, vừa qua nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mương Khương được khánh thành, nhu cầu về dứa quả và các loại hoa quả khác phục vụ cho sản xuất của nhà máy sẽ tăng cao. Đây sẽ là hướng phát triển bền vững của xã.

Thực tế, việc thay thế một loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, thể hiện sự năng động của người nông dân trong việc thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, qua câu chuyện chặt bỏ hàng chục ha cây cao su của nông dân xã Bản Lầu cho thấy, nếu như có sự định hướng của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu, thì người dân sẽ không phải tự mò mẫm và chịu  sự thiệt hại về kinh tế như vậy.