Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xã Lâm Tân (Sóc Trăng): Đồng bào Khmer tích cực tham gia BHXH tự nguyện

Hồng Diễm - PVCĐ - 12:39, 20/08/2021

Là xã thuộc vùng sâu của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), xã Lâm Tân có trên 34% là người dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do đó việc duy trì và khai thác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) luôn là một thách thức đối với địa phương

Một buổi tuyên truyền cho các chị em người dân tộc Khmer về BHXH tự nguyện
Một buổi tuyên truyền cho các chị em người dân tộc Khmer về BHXH tự nguyện.(Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch covid-19 bùng phát trở lại)

Tuy nhiên, từ nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức ở địa phương, với nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, tỷ lệ đồng bào dân tham gia BHXH tự nguyện tăng dần theo các năm. Điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Lâm Tân, trong những năm qua luôn tích cực vận động, tư vấn cho hội viên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT.

Chị Huỳnh Cẩm Tú, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Tân, hằng năm, Hội phụ nữ xã đều phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn về BHXH tự nguyện, lồng ghép vào các cuộc họp tổ phụ nữ ấp, giải đáp cụ thể các thắc mắc của người dân về thủ tục tham gia, tỷ lệ đóng, phương thức đóng, mức đóng, mức hưởng, tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước dành cho người tham gia BHXH tự nguyện…;Nhờ đó, số lượng người tham gia trên địa bàn ngày càng tăng, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, đã có khoảng 300 người tham gia.

Qua những buổi tư vấn về lợi ích của BHXH tự nguyện do cán bộ Hội Phụ nữ xã tổ chức, chị Phương Thị Nhan (31 tuổi), đã quyết định tham gia cho cả hai vợ chồng, với mức đóng khoảng 140 nghìn đồng/tháng/người. Như vậy, mỗi năm, vợ chồng chị đóng BHXH chưa tới 4 triệu đồng.

“Mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập dao động từ 4-5 triệu đồng, với mức thu này, trước đây, tôi chẳng nghĩ tới việc có thể tham gia BHXH. Nhưng nhờ các chị trong Hội Phụ nữ hướng dẫn tham gia, giải thích thắc mắc, tôi chọn tham gia BHXH tự nguyện vì có mức đóng khá thấp. Nhất là khi tham gia, đến lúc hết tuổi lao động, tôi còn có lương hưu, có thể lo cho bản thân mà không phải phụ thuộc vào con cái”, chị Nhan, chia sẻ.

Để chủ động lo cho cuộc sống sau này, chị Lý Thị Hồng Thanh (41 tuổi) cũng tham gia BHXH tự nguyện cho cả 3 thành viên trong gia đình. Chị Thanh chia sẻ đây là quyết định sáng suốt của mình: “Lúc đầu tôi cũng đắn đo khi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, tôi hiểu, tham gia và cảm thấy yên tâm hơn, bởi sau này cuộc sống của mình không phụ thuộc nhiều vào con cái. Mỗi tháng tôi đều dành dụm một ít tiền để đóng BHXH tự nguyện. Để khi không còn sức lao động, vợ chồng tôi vừa có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, vừa có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho con cháu”.

Tham gia BHXH tự nguyện sẽ mang nhiều lại lợi ích cho lao động nông thôn
Tham gia BHXH tự nguyện sẽ mang nhiều lại lợi ích cho lao động nông thôn (Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch covid-19 bùng phát trở lại)

Chia sẻ của chị Nhan, chị Thanh cũng là điều mong muốn của rất nhiều trường hợp tham gia BHXH tự nguyện tại xã Lâm Tân. Nhất là từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng BHXH tự nguyện hằng tháng (hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% phí đóng với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% phí đóng với các trường hợp khác), thì chính sách BHXH tự nguyện ngày càng hấp dẫn người tham gia.

Theo chị Huỳnh Cẩm Tú, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lâm Tân, mặc dù số lượng người tham gia BHXH tự nguyện đang ngày càng tăng, tuy nhiên so với thực tế vẫn còn hạn chế; nguyên nhân chính vẫn là vì người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc mua BHXH, thời gian đóng BHXH dài, nhiều hộ không có khả năng đóng tiền hàng tháng.

“Thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, bằng nhiều hình thức phong phú để tạo chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã.”, chị Tú, chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.