Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS khu tái định cư tỉnh Lai Châu: Cần quan tâm đầu tư đúng mức

Hoài Dương - 09:46, 29/07/2020

Chuyển về nơi ở mới để nhường đất xây dựng công trình thủy điện, đời sống của đồng bào DTTS ở các khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Lai Châu những năm qua đã dần ổn định. Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đang dần mai một, nhất là kiến trúc nhà ở.

Huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua các Lễ hội
Huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua các Lễ hội

Năm 2014, 72 hộ/240 nhân khẩu người Si La di dời về TĐC tại bản Seo Hay, xã Kan Hồ (huyện Mường Tè). So với nơi ở cũ, đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt, bản không còn hộ đói, đường giao thông, điện lưới cũng được đầu tư khang trang, hiện đại. 

Nhưng điều mà bà Hù Cố Xuân (75 tuổi) - một nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc Si La, trăn trở là, đồng bào đã không còn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chuyển về khu TĐC, bà con được cấp nhà ở. Nhà nào cũng là nhà xây lợp mái tôn, không có gia đình nào được ở nhà truyền thống của dân tộc Si La nữa. 

“Cả bản được quy hoạch theo từng ô thửa, có vườn, không giống kiến trúc truyền thống của người Si La. Cùng với đó, nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con cũng không phải là nhà 4 gian, 3 cột truyền thống, mà là nhà cấp 4, lợp mái tôn, giống hội trường hội họp hơn điểm sinh hoạt văn hóa. Cứ kéo dài tình trạng này thì bản sắc văn hóa của dân tộc Si La sẽ mất hẳn”, bà Xuân cho biết. 

Cùng với sự mai một trong kiến trúc nhà ở, đến những bản TĐC của đồng bào Thái như: Bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn; bản Mường Tè, xã Mường Tè, huyện Mường Tè… chúng tôi thấy nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại đây cũng đang dần mai một. 

Ông Lò Văn Điện, dân tộc Thái tại bản TĐC Nậm Ty, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) tâm sự: Trước đây, hầu như nhà nào có con gái, trong nhà đều có khung dệt thổ cẩm. Nhưng hiện nay, phụ nữ Thái không còn say sưa với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm nữa. Họ cũng đã dần bỏ trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, bởi thế nghề dệt thổ cẩm cũng đang bị mai một. 

Tại bản TĐC Mường Tè, nhiều phong tục tập quán của đồng bào cũng đang bị biến tướng. “Phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi của đồng bào giờ cũng khác rồi, dần theo người miền xuôi. Nhà nào có đám cưới cũng đều thuê rạp cưới hiện đại, hoành tráng, nhiều nghi thức không theo phong tục cổ truyền nữa”, bà Lò Thị Lan, người dân bản TĐC Mường Tè chia sẻ. 

Theo chia sẻ của đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, khi về nơi ở mới, bà con thích nghi với môi trường mới nhưng lại thiếu chọn lọc. Tại các khu TĐC, nhà nhà có tivi, người người có điện thoại, phần lớn lớp trẻ chạy theo xu thế hiện đại, không còn mặn mà gìn giữ văn hóa truyền thống, dẫn đến các nét đẹp văn hóa từ lâu đời đã và đang dần bị pha tạp, lãng quên. 

Thiết nghĩ, để bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại các khu TĐC được bảo tồn phát triển, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, phải có sự tính toán kỹ lưỡng từ khâu lập kế hoạch, quy hoạch của chính quyền địa phương. Đồng thời, cần phát huy nội lực của chính người dân - chủ thể trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.