Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cuộc sống mới của đồng bào La Hủ

PV - 10:08, 04/03/2019

Là một trong 4 dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu, thời gian trước đây, đồng bào La Hủ chủ yếu sống du canh, du cư, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành; trong đó, có lực lượng Bộ đội Biên phòng... đến thời điểm này, dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng đồng bào dân tộc La Hủ đã ổn canh, ổn cư, tập trung phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo.

Trước đây, bà Ly Mò Lu, bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cũng như nhiều bà con trong bản quanh năm di chuyển hết quả đồi này đến cánh rừng khác, cuộc sống không an cư, cái đói cái nghèo luôn hiện hữu. Từ khi được Bộ đội Biên phòng Lai Châu tuyên truyền vận động bà con không ở núi, ở rừng nữa về bản mới an cư, cuộc sống của bà con La Hủ bản Hà Xi đã dần ổn định.

“Khi Bộ đội Biên phòng và cán bộ xã vận động từ núi về bản, bà con ai cũng sợ vì vốn quen với tập quán du canh, du cư theo mùa nương rẫy. Khi về bản rồi cái gì cũng mới và bỡ ngỡ, nhưng vui vì không phải chịu khổ và sống trong lo sợ khi phải ở khe núi nữa. Về bản được ở nhà mới, trẻ con được đi học. Bộ đội Biên phòng dạy cách trồng lúa nước, có nhiều lúa hơn... Nhờ đó mà cuộc sống cũng đỡ khổ hơn”, bà Lu kể lại.

Quân y Đồn Biên phòng Pa Ủ khám bệnh cho bà con La Hủ. Quân y Đồn Biên phòng Pa Ủ khám bệnh cho bà con La Hủ.

Bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè là nơi cư trú của 57 hộ, hơn 250 nhân khẩu đồng bào La Hủ. Để có được mặt bằng xây dựng nhà cửa làm nơi ở cho đồng bào như hiện nay, cách đây gần 10 năm, ngoài việc đi vận động bà con sinh sống rải rác trên các sườn núi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ hàng trăm ngày công, san gạt mặt bằng và dựng nhà cho các hộ định cư.

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ đội Biên phòng đã chủ động tìm đến giúp bà con xây dựng lại những ngôi nhà bị xuống cấp, dột nát, đặc biệt trong mùa mưa, các chiến sĩ luôn có mặt hỗ trợ các gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi an toàn. Hằng tháng Đồn Biên phòng phối hợp với ngành Y tế địa phương thăm khám bệnh định kỳ cho bà con... Từ những việc làm thiết thực đó mà bà con dần tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng và giúp đỡ đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Không chỉ giúp người dân ổn canh, ổn cư mà nhiều năm nay, trong tất cả các hoạt động của đồng bào các bản người La Hủ ở xã Pa Ủ, đều in dấu của Bộ đội Biên phòng, từ khám chữa bệnh, vệ sinh làng bản, xây dựng và di dời nhà cửa; vận động, hỗ trợ con em đến trường, đến các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ...

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Pa Ủ có hơn 3.000 người La Hủ sinh sống ở 12 bản. Đây là dân tộc đặc biệt khó khăn đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng nhiều chính sách để bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, đến nay người La Hủ vẫn có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, đời sống gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân La Hủ vươn lên, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã cử 12 đảng viên về sinh hoạt tại 12 chi bộ thôn bản. Các đảng viên Biên phòng đang là lực lượng chính trong việc giúp dân phát triển kinh tế, vận động con em tới trường và trở thành những tấm gương điển hình để bà con noi theo.

Ông Trịnh Đình Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền xã Pa Ủ đánh giá cao những việc làm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua. Cùng với địa phương, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã giúp bà con biết cách trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Vì thế bà con rất tin tưởng bộ đội, cùng với Đồn Biên phòng giữ vững tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới”, ông Vũ nhấn mạnh.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.