Đến điểm Trường Tiểu học Thạch Giám (tại bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương) vào một buổi sáng gần cuối năm học, đang giờ giải lao nên không khí trường học nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi tốp có hơn 10 em học sinh đang tụ tập với nhau chơi các trò ô ăn quan, kéo co, ném còn… sôi nổi.
Trong những trò chơi ở Trường Tiểu học Thạch Giám, sôi động hơn cả vẫn là trò nhảy sạp và ném còn. Các thầy cô giáo phụ trách điểm trường bản Chắn cho biết: “Đây là 2 trò chơi mang đậm nét văn hóa của người Thái, thường được tổ chức trong các dịp lễ hội nên chúng tôi tập trung hướng dẫn cho các em. Các em học sinh rất thích những trò chơi này”.
Thầy Trần Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Giám cho biết: “Trường chúng tôi hiện có hơn 300 học sinh ở 5 điểm bản: Bản Mác, bản Mon, bản Chắn, bản Me, bản Thạch Dương. Từ năm 2012, chúng tôi đã đưa các trò chơi dân gian vào dạy học trong nhà trường theo chủ trương chung của ngành. Trường ưu tiên chọn lựa những trò chơi phù hợp với lứa tuổi và truyền thống của học sinh DTTS. Do vậy, cả 5 điểm trường đều thực hiện rất tốt công tác này. Đây thực sự là một dấu hiệu đáng mừng cho lớp trẻ người Thái trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình”.
Không chỉ học sinh người Thái mà học sinh các DTTS khác trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn cũng được các thầy cô giáo giáo dục nhiều về văn hóa truyền thống dân tộc mình. Tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) vào mỗi sáng thứ Hai, các em học sinh nữ đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mông. Ngoài bộ váy rực rỡ màu sắc, các em còn mang theo cả mũ đội đầu có gắn những đồng bạc kêu rất vui tai. Thầy Lô Khăm Phu, Hiệu trưởng cho biết, chủ trương đưa trang phục truyền thống của dân tộc vào trường học đã được nhà trường thực hiện từ gần 10 năm nay. Các em học sinh người Mông rất thích mặc trang phục truyền thống dân tộc đến trường. Do vậy, từ năm 2013, nhà trường đã đưa phong trào này vào gắn liền với công tác thi đua để khuyến khích các em giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn còn tổ chức được Câu lạc bộ về trò chơi dân gian, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Đánh giá về giáo dục truyền thống cho học sinh vùng cao, thầy Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Huyện Kỳ Sơn hiện có 70 trường THCS, tiểu học và mầm non. Hầu hết các trường đều thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh, tiêu biểu như ở các xã Hữu Kiệm, Nậm Càn, Nậm Cắn… Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh tích hợp giáo dục và Đào tạo truyền thống cho học sinh ngay trong giờ học chính khóa”.