Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn dân ca, dân vũ các DTTS - Ghi nhận từ Lai Châu

Yến Giang - 11:12, 29/10/2021

Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống nên nghệ thuật biểu diễn dân gian của các DTTS ở Lai Châu rất phong phú, đa dạng. Trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác bảo tồn các di sản văn hóa dân ca, dân vũ của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Múa xòe của dân tộc Lự tại bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường
Múa xòe của dân tộc Lự tại bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường

Lai Châu là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc còn lưu giữ những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc, bao gồm các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như: Các điệu múa xòe, múa nón, múa khăn, múa xoỏng, hát then của dân tộc Thái; múa khèn, múa xúng xính của dân tộc Mông; hát dân ca đối đáp của dân tộc Dao, dân tộc Si La... 

Các bài hát, điệu múa truyền thống được bà con các dân tộc gìn giữ, phát huy, sử dụng trong nhiều phương diện của đời sống: Từ các nghi thức tín ngưỡng dân gian đến lễ, tết, ngày hội, trong sinh hoạt cộng đồng... Múa, hát dân gian thể hiện tình cảm, đời sống tinh thần, đạo đức cổ truyền của dân tộc trong các lễ thức (múa hát tín ngưỡng). Qua dân ca, dân vũ truyền thống, có thể cho người xem, người nghe những thông tin về lịch sử, địa lí, môi trường sinh thái tộc người.

Ngược dòng sông Đà đến với sắc màu văn hóa các dân tộc: Cống, Si La, La Hủ, để thấy các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có kho tàng dân ca, dân vũ độc đáo. Điệu hát, tiếng trống của người Cống háo hức, vui tươi, căng tràn trong vũ khúc mừng nhà mới, cầu mùa. Dân tộc La Hủ yêu tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tre réo rắt. Những cô gái Mảng xúng xính trong chiếc váy cuốn tấm vải thô màu trắng, duyên dáng trong làn điệu nồng say. Những thiếu nữ Hà Nhì khỏe khoắn vui tươi trong điệu á mì sơ…

Dân tộc Si La ở huyện Mường Tè với điệu múa truyền thống
Dân tộc Si La ở huyện Mường Tè với điệu múa truyền thống

Người Si La sống ở vùng gần sông suối, những điệu múa thường có đạo cụ là chiếc túi gai, sàng gạo, gùi... Tiếng bước chân hòa trong đồng bạc trên áo, khăn hòa cùng tiếng cười giòn giã, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng biệt. Theo Nghệ nhân ưu tú người Si La, Hù Cố Xuân, các bài dân ca chủ yếu phản ánh tâm tư, tình cảm của dân tộc Si La nên được hát trong mọi hoàn cảnh: “Bê lơ min trê thò ơ” (Ánh trăng), “Dê mí ị thì ê” (Hát ru), “Nhăm pơ” (Nhanh tay), “Sơ chư cợ Si La” (Truyền thống Si La)…

Mảnh đất Mường Tè sản sinh ra những thế hệ trẻ tiếp nối việc gìn giữ, phát huy, bảo tồn văn hoá đặc sắc của dân tộc. Nhiều tác phẩm múa đương đại đã lấy chất liệu từ loại hình múa dân gian, như các tác phẩm “Tiếng vọng Là Khư” (dân tộc Hà Nhì đen), “Khoe khăn” (dân tộc Giáy), “Nhịp sống” (dân tộc Lự), “Mùa thay lá” (dân tộc La Hủ)...

Dân ca, dân vũ dân tộc Thái kể về tập quán sản xuất, sinh hoạt đời thường, giai điệu mang nét đặc trưng tộc người. Người Thái trắng Lai Châu có các lễ hội lớn như: Then Kin Pang, Nàng Han, Kin Lẩu Khẩu Mẩu… trong nghi lễ thờ cúng, các điệu múa miêu tả động tác lao động sản xuất, mời thần linh, cầu mùa… Người Thái nổi tiếng với 36 điệu xòe được phát triển thành các điệu múa truyền thống của dân tộc mình để phục vụ các dịp lễ, tết, ngày hội. Có điệu múa gắn với văn minh lúa nước, có điệu gắn với sinh hoạt đời thường như tắm suối, gội đầu.

Múa khăn của dân tộc Thái trắng
Múa khăn của dân tộc Thái trắng

Những năm gần đây, một số bản văn hóa du lịch đã phát triển các đội văn nghệ để phục vụ du lịch. Tiêu biểu như bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, bản Nà Khương, huyện Tam Đường) có đội văn nghệ dân tộc Thái; bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải 1, huyện Tam Đường; bản Gia Khâu 1, Gia Khâu 2- TP. Lai Châu có đội văn nghệ dân tộc Mông; bản Hon, bản Thẳm, huyện Tam Đường có đội văn nghệ dân tộc Lự...

Khèn và dân ca Mông được tái hiện trên các sân khấu là điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Khèn và dân ca Mông được tái hiện trên các sân khấu là điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Quản lí Du lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu: Âm nhạc, nghệ thuật múa luôn tác động mạnh mẽ tới giác quan, cảm xúc của du khách. Những điệu dân vũ, múa truyền thống vừa lưu giữ trong đó giá trị văn hoá nghìn đời, thể hiện nếp sống, tâm hồn, tình cảm và cốt cách người bản địa, vừa có chức năng giải trí, thẩm mĩ đối với du khách. Những điệu múa hòa trong tiếng nhạc dân tộc du dương, vui nhộn làm tăng tính hấp dẫn, thu hút của du lịch cộng đồng.

Trong các chương trình văn nghệ lớn của tỉnh Lai Châu, dấu ấn các dân tộc trong nghệ thuật biểu diễn dân gian được khẳng định rõ nét. Ở các chương trình mang quy mô nhỏ hơn, cấp huyện, xã thì văn hóa dân tộc trong khu vực ấy cũng được chú ý trong từng tiết mục biểu diễn.

Trong thời đại hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, bản sắc văn hoá là tài nguyên, điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống và phát triển văn hóa, con người Lai Châu.

Múa nhảy lửa của người Dao Đầu Bằng huyện Tam Đường
Múa nhảy lửa của người Dao Đầu Bằng huyện Tam Đường
Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.