Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển ngôn ngữ Xtiêng (Bài 1)

PV - 11:44, 15/03/2022

Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong xu thế hội nhập, việc học tiếng mẹ đẻ là cơ hội, quyền lợi, trách nhiệm để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình, nhưng cũng là vấn đề thách thức không nhỏ đối với cộng đồng DTTS nói chung và người Xtiêng nói riêng.

Đồng bào Xtiêng ở Bình Phước tham gia lễ hội truyền thống
Đồng bào Xtiêng ở Bình Phước tham gia lễ hội truyền thống (Ảnh minh họa)

Ngôn ngữ (gồm tiếng nói và chữ viết) là thành tố quan trọng của văn hóa, có vai trò quan trọng trong thực hiện các chức năng tư duy, giao tiếp, biểu cảm và lưu trữ, cùng với lao động hình thành nên các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Xuất phát từ vai trò quan trọng của ngôn ngữ đối với văn hóa, từ đặc điểm tình hình DTTS ở Việt Nam, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách rất cụ thể đối với công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các DTTS. Điều 15 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình”; Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình"; Quyết định số 53-CP ngày 22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ nêu rõ: "Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước"; Điều 13 khoản 2, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, quy định: "Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật".

Dân tộc Xtiêng (tài liệu cũ viết là S'tiêng) là DTTS trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á, sinh sống chủ yếu tại tỉnh Bình Phước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, người Xtiêng ở Việt Nam có khoảng 100.752 người, gồm 48.391 người ở thành thị và 52.361 người ở nông thôn. Trong đó, người Xtiêng ở Bình Phước có 96.649, phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ngoài ra, người Xtiêng còn sinh sống tại một số tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam Bộ như: tỉnh Đồng Nai có 1.427 người, trong đó: ấp 4, xã Tà Lài, Tân Phú 474 người; khu dân tộc xã Tân Hiệp, Long Thành: 239 người; ấp 2, xã Xuân Hòa, Xuân Lộc 136 người; tỉnh Lâm Đồng 457 người (huyện Cát Tiên); tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 25 người; tỉnh Đắk Nông có 78 người; tỉnh Tây Ninh có hơn 100 người, nếu tính cả nhóm Tà Mun có 1.746 người; tỉnh Bình Dương có 355 người và tại TP. Hồ Chí Minh có 160 người.

Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ của người Xtiêng được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, việc lưu giữ chữ viết của người Xtiêng qua tư liệu văn bản và biên soạn thành sách để dạy và học tiếng dân tộc Xtiêng là phương thức hiệu quả và rất quan trọng. Đến nay, những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc Xtiêng nói chung và những tài liệu để học tiếng Xtiêng còn quá ít ỏi. 

Đồng bào Xtiêng (Bình Phước) tái hiện Lễ hội cầu mưa tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh minh họa)
Đồng bào Xtiêng (Bình Phước) tái hiện Lễ hội cầu mưa tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tác giả H. Azémar là người đầu tiên sau hơn 6 năm nghiên cứu, thu thập, xử lý ngữ liệu đã công bố công trình nghiên cứu về ngôn ngữ của người Xtiêng với cuốn "Dictionnaire Stieng" từ điển X'tiêng - Pháp vào năm 1886 gồm 2.500 mục từ. Đây là tư liệu cổ nhất về ngôn ngữ Xtiêng vào cuối thế kỷ XIX. Gần 70 năm sau mới có thêm 1 cuốn sách về ngôn ngữ Xtiêng, đó là cuốn "Lexique franco - S'tieng" từ vựng Pháp - Xtiêng của Théophile Gerber. 

Năm 1957, Viện Ngôn ngữ mùa hè (Hoa Kỳ) bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS (ở miền Nam Việt Nam), nhiều sách dạy tiếng dân tộc được ra đời. Năm 1962, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Phát triển sắc tộc và Viện Chuyên khảo ngữ học (Việt Nam Cộng hòa) cho xuất bản chương trình giáo dục song ngữ ở cấp tiểu học bằng tiếng dân tộc Xtiêng (tái bản năm 1973). Bộ sách gồm 4 tập, trong đó tập 1 và tập 2 là sách dùng cho học sinh lớp vỡ lòng, tập 3 là những truyện cổ tiêu biểu của người Xtiêng, tập 4 nội dung tương đối cao hơn và được dịch thành 3 ngôn ngữ: Xtiêng - Việt - Anh. Tuy nhiên, những tài liệu này không được phổ biến rộng rãi nên ít người Xtiêng biết đến và sử dụng để học.

Năm 2006, thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS; Quyết định số 03/2006/QĐ-BGDĐT ngày 24/1/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình khung dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS; Quyết định số 981/QĐ-BNV ngày 29/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành về việc lựa chọn tiếng DTTS và địa phương biên soạn tài liệu dạy cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Công văn số 3460/BNV-ĐT ngày 19/9/2006 của Bộ Nội vụ về việc giao tỉnh Bình Phước biên soạn tài liệu dạy tiếng Xtiêng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 2/11/2006 để triển khai thực hiện biên soạn tài liệu dạy tiếng Xtiêng cho cán bộ, công chức. 

Trên cơ sở kết quả biên soạn, ngày 31/12/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND ban hành tài liệu dạy tiếng Xtiêng cho cán bộ, công chức. Tài liệu gồm 10 chủ đề, 70 bài học chính với thời lượng 450 tiết. Đây được xem là tài liệu dạy tiếng Xtiêng chính thống lần thứ 2 kể từ sau năm 1962. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do chữ viết của dân tộc Xtiêng chưa được cơ quan nhà nước công nhận, chưa quy định cụ thể cơ quan cấp giấy chứng nhận sau khi học nên việc học tiếng Xtiêng không được tiến hành một cách hệ thống.

Từ năm 2007-2008, tác giả Lê Khắc Cường cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: "Xây dựng hệ thống chữ viết tiếng S’tiêng và biên soạn từ điển đối chiếu S’tiêng - Việt và Việt - S’tiêng" với dung lượng khoảng 12 ngàn từ. Năm 2012, Buôn Krông Tuyết Nhung và các nhóm nghiên cứu đã chuyển đổi công trình nêu trên thành "Từ điển điện tử Việt - S’tiêng, S’tiêng - Việt". Trên kết quả phối hợp nghiên cứu giữa Sở GD&ĐT Bình Phước với nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên về đề tài xây dựng chương trình khung dạy tiếng Xtiêng cho cấp tiểu học, ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2684/QĐ-UBND về công bố bộ chữ cái và hệ thống âm, vần tiếng Xtiêng. Đây là những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ, để tổ chức dạy và học tiếng Xtiêng nói chung và bảo tồn, phát triển ngôn ngữ của người Xtiêng nói riêng.

Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 771/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025". Theo Đề án, đến năm 2025 "tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số". Đây cũng là cơ hội để chính người Xtiêng có nhu cầu học tiếng Xtiêng được học ngôn ngữ của mình.

Ngày 23/4/2021, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 547/QĐ-BNV phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu bồi dưỡng tiếng Xtiêng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Bình Phước. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1015/UBND-NC ngày 30-3-2021 giao Trường Chính trị tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh và Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 ban hành tài liệu bồi dưỡng tiếng Xtiêng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Bình Phước.

Đây là tài liệu được biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung khá công phu theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, chữ viết được sử dụng thống nhất theo Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh. Chủ đề và các bài học khá phong phú, trong bài học có giới thiệu những đặc trưng văn hóa của người Xtiêng. Tài liệu không chỉ phục vụ cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Bình Phước mà người Xtiêng có thể sử dụng để học, biết chữ Xtiêng, hiểu thêm về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Đối với học sinh, mặc dù Luật Giáo dục đã có quy định về dạy và học tiếng DTTS; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; chương trình khung dạy tiếng dân tộc Xtiêng cho cấp tiểu học đã biên soạn, tuy nhiên do chưa có tài liệu và đội ngũ giáo viên dạy tiếng Xtiêng nên việc dạy tiếng Xtiêng cho học sinh đến nay chưa được triển khai.

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.