Với tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên trong CLB, đến nay các làn điệu dân ca Mường, điệu múa đang dần được khôi phục đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con nơi đây.
Đều đặn mỗi tuần sinh hoạt 2 lần vào tối thứ 4 và thứ 7 tại nhà văn hóa bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú, CLB hát sắc bùa Kỳ Phú đã trở thành một điểm đến văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trong xã.
Chị Bùi Thị Chia, một thành viên tích cực trong CLB giải thích cho chúng tôi hiểu về hát sắc bùa. Hát sắc bùa như là một món ăn tinh thần của người Mường, thể hiện những khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trong mỗi dịp lễ, tết. Mỗi phường bùa sẽ có trùm phường, tức là người hát chính, có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh để có thể ứng tác lời ca. Nội dung chủ yếu của các bài hát sắc bùa thường có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã. Mỗi bài gồm 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ, phong tục chào hỏi, chúc Tết gia chủ và phần thứ 2 là phần góp vui có tính chất sinh hoạt văn nghệ.
Hiện, CLB hát sắc bùa Kỳ Phú đã có hơn 60 thành viên. CLB là nơi tập hợp những người yêu thích văn hóa, văn nghệ để giao lưu, học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tạo sân chơi lành mạnh cho các hội viên tham gia; trên hết là truyền lại những nét đẹp và giá trị văn hóa lâu đời của người Mường cho thế hệ trẻ ngày nay.
“Thông qua các buổi sinh hoạt, CLB còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc Mường hiểu rõ những giá trị văn hóa dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”, chị Bùi Thị Thùy, Chủ nhiệm CLB hát sắc bùa Kỳ Phú cho biết.
Vốn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bằng sự ảnh hưởng của mình, chị Thùy đã vận động đông đảo các chị em trong Hội Phụ nữ xã tham gia. Các thành viên trong CLB có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, khôi phục và phục dựng lại tất cả các câu hát sắc bùa, đảm bảo đủ một cuộc hát sắc bùa truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian. Đồng thời, CLB trang bị dàn cồng, chiêng đầy đủ (từ cồng tiểu, cồng trung, cồng đại); bởi đây là loại nhạc cụ duy nhất, quan trọng nhất đi theo những sắc thái của câu hát sắc bùa.
Vào các buổi tập luyện, CLB thường học các bài hát sắc bùa, các làn điệu hát ru, hát đối của dân tộc Mường, phù hợp, gần gũi với nét sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Kỳ Phú. Ngoài ra, các hội viên CLB được tham gia tập luyện theo sở thích trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, CLB hát sắc bùa Kỳ Phú có vai trò đảm nhiệm tiết mục văn nghệ của xã tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các CLB và một số hoạt động khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mới đây, CLB tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Nho Quan lần thứ nhất và Chương trình Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt.
Ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú khẳng định: “Sự ra đời của CLB hát sắc bùa Kỳ Phú không chỉ thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương, mà còn góp phần quan trọng vào việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường đến thế hệ mai sau”.
HỒNG MINH