Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS thông qua lễ hội ở Gia Lai: Vùng đất giàu bản sắc văn hóa (Bài 1)

Hòa Bình - 04:14, 05/12/2023

Gia Lai được biết đến là vùng đất đỏ ba zan có lịch sử lâu đời, giàu bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, có nhiều lễ hội tiểu biểu như: Lễ mừng nhà rông, mới, mừng lúa mới, mừng chiến thắng.., có ý nghĩa quan trọng, là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng dân tộc Ba Na, Gia Rai đang được duy trì thực hành thường xuyên trong đời sống của buôn làng.

Lễ Cúng năm mới của đồng bào Ba Na để cầu xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, đôi chân rắn rỏi để lên nương rẫy
Lễ Cúng năm mới của đồng bào Ba Na để cầu xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, đôi chân rắn rỏi để lên nương rẫy

Lễ hội làm nên sự phong phú trong đời sống văn hóa tâm linh

Là tỉnh miền núi phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có hơn 46% là đồng bào DTTS (Chủ yếu là Ba Na, Gia Rai), mỗi dân tộc đều có các nghi lễ truyền thống riêng biệt, độc đáo đậm đà bản sắc.

Mới đây, dân làng Jrăng Krăi, xã Ia Khai, huyện Ia Grai đã hân hoan tổ chức Lễ cúng nhà rông mới, nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ dân làng và cầu mong cho dân làng được bình an, ấm no, sung túc. Đồng bào Gia Rai quan niệm, nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp, lễ hội của cả cộng đồng, mà còn là chốn linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh; là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng.

Đồng bào Gia Rai ổ chức Lễ cúng nhà rông mới nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ dân làng và cầu mong được bình an, ấm no, sung túc
Đồng bào Gia Rai ổ chức Lễ cúng nhà rông mới nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ dân làng và cầu mong được bình an, ấm no, sung túc

Dưới nắng chiều rực rỡ, thầy cúng do già làng Rơ Lan Chanh đảm nhiệm, cùng các cộng sự thực hiện từng bước nghi lễ. Mỗi phần nghi lễ đều thể hiện mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, sức khỏe dồi dào, đoàn kết, mùa màng bội thu và những điều tốt đẹp cho dân làng.

Già làng Rơ Lan Chanh phấn khởi kể: Với sự chung tay góp sức của dân làng, tháng 5/2023, nhà rông làng Jrăng Krăi đã đi vào sử dụng. Bà con dân làng rất vui, cùng nhau chuẩn bị các lễ vật như con heo, gà, trâu… tuỳ theo phong tục và điều kiện để tổ chức Lễ cúng nhà rông mới. Đây là nghi lễ quan trọng đã được dân làng duy trì từ bao lâu nay nhằm kêu trời đất phù hộ cho mình, học hành tốt, đói nghèo giảm dần - cầu mong như thế đấy, già làng nói.

Ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vào tháng 3 về, khi hoa Pơ lang nở đỏ trời Tây Nguyên, đồng bào Ba Na ở làng Prăng, xã Đak Tơ Pang, lại rộn ràng tổ chức Sơmă Kơcham (Lễ cúng sân) cầu mong một năm mới khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo già Đinh Văn Luông kể, mỗi năm, người Ba Na ở làng Prăng đều tổ chức lễ cúng bên trong nhà rông và sân nhà rông. Đây là nghi thức lớn của làng nhằm tưởng nhớ đến những người trong làng đã mất, cũng như cầu nguyện Yàng sẽ cho bà con một năm khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng sân còn có ý nghĩa bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch cho dân làng. Đồng thời, như sợi dây kết nối tình cảm xóm làng thêm gắn bó, bền chặt.

Trước khi tổ chức lễ, Hội đồng già làng họp chọn ngày tổ chức lễ, sau đó dân làng sẽ được phân công nhiệm vụ để buổi lễ được diễn ra thật trang trọng. Những ngày này, mọi người gác lại hết công việc nhà, nương rẫy để tập trung cho việc chung cả làng. Dưới khoảng sân rộng của nhà rông truyền thống, cả trăm người dân từ già trẻ, trai gái đều tập trung đông đủ, chia thành nhiều nhóm, đảm nhận từng phần việc cụ thể, như nấu nướng, dựng cây nêu, cột rượu ghè, chuẩn bị cồng chiêng… Sau phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt đêm. Trong đêm trăng trong veo, ánh lửa bập bùng, bà con cùng nhau đánh chiêng, múa xoang và hát dân ca với niềm tin về một mùa rẫy mới bội thu, ấm no.

Niềm tự hào của cộng đồng DTTS

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, truyền thống văn hóa của hai dân tộc Ba Na và Gia Rai trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung và đồng bào Ba Na và Gia Rai sinh sống ở Gia Lai nói riêng, là sự kết tinh những tinh hoa được chắt lọc, đúc kết từ tất cả các di sản truyền thống trong suốt quá trình tồn tại và phát triển.

 Vì vậy, trong các nghi lễ truyền thống quan trọng của đời sống đồng bào các DTTS, Lễ cúng mừng nhà rông mới của đồng bào Gia Rai vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc và được trao truyền qua các thế hệ cho đến nay.

Anh Rơ Lan Luk ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai, chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi hiện nay cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn văn hoá dân tộc Gia Rai. Vì vậy, chúng tôi có ý thức trong bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc như, lễ cúng nhà rông, lúa mới, giọt nước… ”. 

Đồng bào Ba Na vui mừng đánh chiêng, múa xoang tại Lễ cúng sân nhà rông
Đồng bào Ba Na vui mừng đánh chiêng, múa xoang tại Lễ cúng nhà rông

Chung vui bên ché rượu cần thơm nồng trong Lễ cúng sân nhà rông tại xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro, anh Đinh Văn Diu, Thôn trưởng Prăng vui mừng cho biết: Ngoài lễ cúng trong và ngoài nhà rông, cứ 2 năm một lần, làng tổ chức đâm trâu. Ngoài ra, mỗi gia đình, dòng họ còn gìn giữ một số lễ cúng khác như pơ thi, cúng trăng, cúng năm mới… 

Qua mỗi lần tổ chức lễ hội, bà con càng thêm đoàn kết, lớp trẻ càng biết nhiều hơn, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, các nghi thức lễ cúng cho đến hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng… độc đáo của người Ba Na vẫn được truyền dạy, giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Từ những cuộc vui trong các nghi lễ truyền thống, dân làng cùng hoà trong điệu cồng chiêng rộn ràng, những điệu xoang uyển chuyển bên ché rượu cần. Sau lễ hội truyền thống này, sức mạnh đoàn kết cộng đồng của dân tộc càng thêm củng cố. Đồng bào có thêm động lực mới trong lao động sản xuất và cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.