Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sơmă Kơcham - Nghi lễ trọng đại của đồng bào Ba Na

Ngọc Thu - 15:23, 03/04/2023

Tháng 3, khi hoa Pơ lang nở đỏ trời Tây Nguyên, đồng bào Ba Na ở làng Prăng, xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai lại rộn ràng tổ chức Sơmă Kơcham (Lễ cúng sân) cầu mong một năm mới khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đồng bào Ba Na ở làng Prăng rộn ràng tổ chức Sơmă Kơcham - Lễ cúng sân với đầy đủ nghi thức của một nghi lễ truyền thống
Đồng bào Ba Na ở làng Prăng rộn ràng tổ chức Sơmă Kơcham - Lễ cúng sân với đầy đủ nghi thức của một nghi lễ truyền thống

Làng Prăng có 119 hộ, trong đó có đến 98% hộ người Ba Na. Sơmă Kơcham là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na nơi đây. Hằng năm, vào dịp tháng 3, khi hoa Pơ lang nở đỏ trời Tây Nguyên, người Ba Na ở làng Prăng lại rộn ràng tổ chức lễ cúng bên trong nhà Rông và sân nhà Rông.

 Đây là hai nghi thức lớn của làng nhằm tưởng nhớ đến những người trong làng đã mất, cũng như cầu nguyện Yàng sẽ cho bà con một năm khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng sân còn có ý nghĩa bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch cho dân làng. Đồng thời, như sợi dây kết nối tình cảm xóm làng thêm gắn bó, bền chặt.

Trong khoảng sân rộng của nhà Rông truyền thống, cả trăm người dân đã tập trung đông đủ chuẩn bị lễ Sơmă Kơcham
Trong khoảng sân rộng của nhà Rông truyền thống, cả trăm người dân đã tập trung đông đủ chuẩn bị lễ Sơmă Kơcham

Lễ cúng được tổ chức rất long trọng. Trước khi tổ chức lễ, Hội đồng già làng họp chọn ngày tổ chức lễ, sau đó dân làng sẽ được phân công nhiệm vụ. Những ngày này, mọi người gác lại hết công việc nhà, nương rẫy để tập trung cho việc chung cả làng. Dưới khoảng sân rộng của nhà Rông truyền thống, cả trăm người dân từ già trẻ, trai gái đều tập trung đông đủ, chia thành nhiều nhóm, đảm nhận từng phần việc cụ thể, như nấu nướng, dựng cây nêu, cột rượu ghè, chuẩn bị cồng chiêng… Đặc biệt là, phần dựng đàn tế lễ ở nhà Rông được thực hiện rất cầu kỳ ở các chi tiết trang trí.

Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ Sơmă Kơcham
Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ Sơmă Kơcham

Khi những phần thịt được nấu chín, chị em phụ nữ bắt tay dọn dẹp sạch sẽ khoảng sân. 2 cây nêu được dựng ngay trước công trình nước sạch cũng nằm trong sân nhà Rông. Bà con bắt đầu đem những ghè rượu đã được ủ thơm nức đến góp lễ, nối thành một hàng dài. 2 ghè rượu to được buộc dưới chân mỗi cây nêu. 2 xiên thịt nướng, 4 nồi thịt hầm cũng được bày biện xung quanh. Xong đâu đấy, hội đồng già làng gồm 9 thành viên đứng xung quanh cây nêu, chuẩn bị nghi thức cúng. Đội cồng chiêng “nhí” và thanh niên cũng vào hàng ngũ chỉnh tề.

Khi các già làng đọc bài cúng thông báo cho các vị thần linh biết các công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị thần phù hộ cho mọi việc diễn ra suôn sẻ, cũng là lúc tiếng trống, chiêng nổi lên rộn rã, âm vang. 5 già sẽ đảm nhận nhiệm vụ dâng lễ cúng lên Yàng, 4 già còn lại sẽ khấn nguyện, mời lễ những người đã khuất. Trong lúc đó, đội chiêng và đội xoang diễn tấu xung quanh sân của nhà Rông.

Lễ cúng kết thúc, Hội đồng già làng cùng nhấp những ngụm rượu đầu tiên trong hàng dài ghè mà dân làng đem đến góp lễ. Theo sau, bà con cũng thực hiện nghi thức tương tự, mang theo ước vọng về một năm mới, mùa vụ mới thuận lợi, may mắn. Mỗi hộ dân còn được chia một xâu thịt heo từ lễ cúng đem về để lấy may. Phần hội lúc này mới bắt đầu và kéo dài đến hết ngày hôm sau.

Sau phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt đêm. Trong đêm trăng trong veo, ánh lửa bập bùng, bà con cùng nhau đánh chiêng, múa xoang và hát dân ca với niềm tin về một mùa rẫy mới bội thu, ấm no. 

Một số hình ảnh đồng bào Ba Na chuẩn bị Sơmă Kơcham 

Những phụ nữ trong làng chuẩn bị những ghè rượu ủ thơm ngon nhất cho ngày lễ
Những phụ nữ trong làng chuẩn bị những ghè rượu ủ thơm ngon nhất cho ngày lễ

Bên hông nhà Rông, nhóm trai làng tập trung đẽo gỗ, dựng đàn tế lễ, trang trí nhà Rông
Bên hông nhà Rông, nhóm trai làng tập trung đẽo gỗ, dựng đàn tế lễ, trang trí nhà Rông
Dân làng chuẩn bị cây nêu cho lễ cúng
Dân làng chuẩn bị cây nêu cho lễ cúng
Những dây cúng để trang trí cây nêu cũng được dân làng đan bện tỉ mỉ, đẹp mắt
Những dây cúng để trang trí cây nêu cũng được dân làng đan bện tỉ mỉ, đẹp mắt
Xung quanh sân nhà Rông, đội cồng chiêng làng Prăng đánh lên những giai điệu rộn ràng vào lễ hội
Xung quanh sân nhà Rông, đội cồng chiêng làng Prăng đánh lên những giai điệu rộn ràng vào lễ hội
Đội xoang nữ của làng Prăng cùng múa những điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng
Đội xoang nữ của làng Prăng cùng múa những điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng
Tin cùng chuyên mục
Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế được hình thành từ sự kết tinh giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình Huế đến nay đã hơn 300 năm. Ca Huế đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu sự giám sát dẫn đến tình trạng Ca Huế trên sông Hương khá lộn xộn, cần phải chấn chỉnh lại.