Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc ở Vĩnh Phúc

Hoàng Quý - 10:34, 17/12/2019

Vĩnh Phúc là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có một phong tục, tập quán riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Chính vì thế, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được chính quyền và Nhân dân quan tâm.

Nghệ nhân Phùng Thế Vị (đầu tiên bên trái) người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Dao
Nghệ nhân Phùng Thế Vị (đầu tiên bên trái) người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Dao

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay tỷ lệ người dân tộc Sán Dìu biết và thường xuyên sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp chỉ chiếm 61%; đồng bào Cao Lan chiếm 60% và dân tộc Dao chiếm 57%. Về chữ viết, chỉ có 0,87% người dân tộc Sán Dìu biết và thường xuyên sử dụng chữ viết của dân tộc mình. Người Dao là 1,6% và Cao Lan là 2,8%. Hiện, chỉ còn gần 2% số người DTTS biết và biểu diễn được các loại hình nghệ thuật dân gian như hát Sình ca, Soọng cô... trong số đó, chủ yếu là người cao tuổi.

Ông Phùng Thế Vị (Nghệ nhân người Dao) ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô chia sẻ, một số giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đã thay đổi khá nhiều, bởi các yếu tố văn hóa du nhập. Ví dụ như, nhà của các dân tộc Dao đã có sự thay đổi so với truyền thống, đa phần là nhà xây. Người Dao ở Sông Lô có tiếng nói và chữ viết riêng, tuy nhiên việc dạy, học tiếng nói và chữ viết riêng của dân tộc chủ yếu dưới hình thức truyền miệng, chứ không tổ chức thành trường lớp.

Thời gian qua, nhận thấy nguy cơ mai một về bản sắc văn hóa, đồng bào DTTS đã tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Như ông Phùng Thế Vị đã mở các lớp dạy tiếng Dao cho thế hệ trẻ, là người tích cực khôi phục những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, các lễ hội truyền thống…

Hay như Nghệ nhân Lê Đại Năm (dân tộc Sán Dìu) ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã sưu tầm, biên dịch hàng trăm bài hát Soọng cô cổ; Đồng thời, sáng tác nhiều bài hát Soọng cô lời mới như những bài hát giao duyên, bài hát về lao động sản xuất, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Năm 2010, ông Năm đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Tiếng hát Soọng cô Chợ Tình, xã Đạo Trù với 35 hội viên. Nhờ đó, đến nay, ở một số địa phương trên địa bàn huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên, đồng bào dân tộc Sán Dìu đã thành lập và phát triển nhiều CLB Soọng cô nhằm lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cần được quan tâm bảo tồn và phát triển
Các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cần được quan tâm bảo tồn và phát triển

Để bảo tồn và phát triển văn hóa, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả người dân và chính quyền, vì thế thời gian qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm tới việc khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS. Tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, hướng đến tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa được địa phương quan tâm, như lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo), lễ hội Cướp Phết (Bàn Giản), Lễ hội Xuống đồng (Quang Yên)… Các làn điệu dân ca, dân vũ: hát Ca Trù, Trống Quân (Đức Bác), Soọng cô (dân tộc Sán Dìu)... góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Theo ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS. Hoàn thiện xây dựng hệ thống văn hóa cơ sở gắn với di tích lịch sử của từng vùng, từng địa phương.