Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn văn hóa dân tộc Kháng ở Điện Biên

Vũ Lợi - 09:31, 19/06/2020

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song hiện nay, dân tộc Kháng tại Điện Biên vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc về phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian thể hiện bằng tiếng nói riêng của dân tộc. Cùng với đó là nhiều nghi lễ về sản xuất nông nghiệp, như: Lễ cơm mới, Lễ Pang phoóng, Lễ hội Xên Pang ả…cũng được giữ gìn và phát huy.

Điệu nhảy “Xé pang” trong lễ hội truyền thống Pang phoóng của dân tộc Kháng ở Điện Biên.
Điệu nhảy “Xé pang” trong lễ hội truyền thống Pang phoóng của dân tộc Kháng ở Điện Biên.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Kháng, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên đã chú trọng quan tâm tới đội ngũ các nghệ nhân, Người có uy tín, già làng, trưởng bản. Tỉnh cũng triển khai thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Kháng. Việc thường xuyên tổ chức Lễ hội Pang phoóng; nghiên cứu, kiểm kê, xuất bản sách, giới thiệu các lễ hội, phong tục, tập quán hay tạo điều kiện để bà con tham gia giao lưu các sự kiện văn hóa lớn ở trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Kháng. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng vào những vùng có đồng bào Kháng sinh sống, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tạo điều kiện để người dân gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ông Vũ Ðức Lâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, cho biết: Trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Kháng có Lễ hội Pang phoóng (lễ tạ ơn) đang được tỉnh Điện Biên quan tâm, lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vào cuối năm 2018, Lễ hội Pang phoóng của dân tộc Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khun được phục dựng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông đã nâng cao ý thức cho những người trẻ giữ gìn, trân trọng và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là một trong những lễ hội đặc trưng, phản ánh hiện thực đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, luôn lấy cội nguồn, tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức; là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Pang phoóng được tổ chức 3 - 4 năm một lần và thường được tổ chức vào các tháng 10, 11, 12 (âm lịch) sau khi bà con thu hoạch xong vụ mùa. Lễ hội được tổ chức từ sáng sớm tại nhà trưởng dòng họ, với sự tham gia của các gia đình trong dòng họ. Quá trình làm lễ không thể thiếu những con vật hiến tế như: Lợn, gà và các loại rau, củ, quả (khoai lang, đu đủ, khoai sọ…)

Phần lễ được thầy cúng thực hiện trong nhà với các nghi thức gắn liền với lá “chắc mắc” (lá có ý nghĩa văn hóa tâm linh của người Kháng) để báo cáo và mời tổ tiên về dự lễ, phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Sau phần lễ, gia chủ khai tiệc mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần. Bữa cơm diễn ra trong sự ấm cúng, vui vẻ của cả dòng họ. Tại đây, mọi thành viên trong dòng họ cùng nhau tâm sự, chia sẻ để gắn kết yêu thương cũng như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Sau phần lễ là phần hội, mọi người chung vui với điệu nhảy “Xé pang”. Trên nền âm thanh sôi nổi của trống, chiêng, chum chọe, già trẻ, gái, trai mỗi người cầm một ống tre uyển chuyển và mạnh mẽ trong điệu múa cách điệu về nghi thức chọc lỗ tra hạt truyền thống cùng với những bài hát thể hiện tình đoàn kết dân tộc.

Dân tộc Kháng là một trong những DTTS sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng hiện còn khoảng trên dưới 4.000 người, chiếm hơn 30% dân tộc Kháng của cả nước. Họ sinh sống chủ yếu ở các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.