Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người kể sử thi Ba Na

Thùy Dung - 11:47, 12/06/2020

Nghệ nhân Pơnh ở làng Bia Bre, xã Ia Pết (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) là người thuộc nhiều sử thi của người Ba Na. Trong rất nhiều bài sử thi ông hát kể, có 2 tác phẩm đã được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành.

Nghệ nhân Pơnh xúc động kể lại kỷ niệm được nhận tấm bằng ghi nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng.
Nghệ nhân Pơnh xúc động kể lại kỷ niệm được nhận tấm bằng ghi nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng.

Trong căn nhà nhỏ ở gần cuối làng Bia Bre, nghệ nhân Pơnh (xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa) lặng lẽ đan mấy chiếc gùi để kiếm thêm thu nhập. Biết chúng tôi ghé thăm để tìm hiểu về Hơ mon (sử thi) của người Ba Na, ông vào góc nhà lôi ra một chiếc bao cũ kỹ đựng những giấy tờ quan trọng, trong đó có 2 cuốn sách được Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai xuất bản thông qua lời hát kể của ông, đó là tác phẩm “Hơamon Diơ Hao Jrang” và “A Tâu So Hle Kơne Gơseng”.

Nghệ nhân Pơnh lật từng trang sách rồi hồi tưởng về những ký ức xưa cũ, ông kể: Thuở bé, ông biết đến Hơ mon là do cha thường xuyên hát kể cho anh em nhà Pơnh nghe. Từ đó, những tiếng hát, lời kể thấm sâu vào trong máu Pơnh, ông thuộc được hơn 8 bài sử thi của người Ba Na.

“Sử thi của đồng bào mình đa số là những câu chuyện kể về những anh hùng bảo vệ buôn làng, chuyện tình yêu đôi lứa,… Hơ mon của người Ba Na còn có tính chất răn dạy người nghe cách sống, đối nhân xử thế…”, ông Pơnh giải thích.

Vốn tài giỏi, tháo vát chuyện đồng áng, giỏi đánh chiêng, khéo tay tạc tượng, đặc biệt là được Yang phú cho chất giọng và làn hơi đặc biệt, nghệ nhân Pơnh nắm trong tay cả kho tàng sử thi đồ sộ. Cũng bởi lẽ đó, ông đã chinh phục được người phụ nữ đẹp nhất nhì làng Bia Bre. Nghệ nhân Pơnh cho biết, thời trai trẻ có sức khỏe nên những ngày nông nhàn ông thường đến nhà rông làng để hát kể sử thi. Ông có thể say đắm với sử thi cả đêm dài. Khi lên nương, người Ba Na có thói quen dựng chòi ở lại qua đêm để xua đi nỗi buồn, Pơnh tụ họp mọi người lại rồi hát kể sử thi cho họ nghe.

Thời gian trôi đi, đến nay nghệ nhân Pơnh đã tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút, ông không còn hát kể trọn vẹn được những bài sử thi như thời trẻ nữa.

Chỉ tay về phía bức tường ố vàng có treo 1 tấm bằng khen, ông khoe: “Năm trước được đi thành phố, được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước tặng, mình vui lắm!”.

Rồi đôi mắt chợt thoáng buồn, giọng nghệ nhân Pơnh chùng xuống: “Những người thích nghe hát kể đã đi về phía bên kia chân dốc cuộc đời. Lứa trẻ trong làng bây giờ chỉ tập trung vào làm kinh tế để nuôi con. Mấy đứa con mình cũng vậy, nó lấy vợ, lấy chồng rồi lo cho cuộc sống riêng của chúng nó. Sử thi cứ thế vắng dần… Mình rất muốn có người kế cận để truyền giữ sử thi của người Ba Na nhưng chưa tìm được”.

Nghệ nhân Pơnh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2006. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Ngữ văn dân gian. Ông cũng là nghệ nhân sử thi có tên trong cuốn sách “Nghệ nhân Dân gian” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.