Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo vệ rừng từ chính sách cho người nhận khoán: Phát sinh nhiều vướng mắc (Bài 2)

Cù Hương - Sỹ Hào - 15:20, 18/11/2023

Ngày 20/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, nhiều vướng mắc mới đã phát sinh khiến các địa phương lúng túng.

Hiện cả nước có khoảng trên 2,2 triệu ha rừng đặc dụng, chiếm gần 15% tổng diện tích từng cả nước, được Nhà nước giao cho 167 BQL rừng đặc dụng quản lý.
Hiện cả nước có khoảng trên 2,2 triệu ha rừng đặc dụng, chiếm gần 15% tổng diện tích từng cả nước, được Nhà nước giao cho 167 BQL rừng đặc dụng quản lý.

Chưa rõ nội hàm

Để thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, thì việc quy định đối tượng rừng được giao khoán là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện hướng dẫn xác định đối tượng rừng trong Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 12) của Bộ NN&PTNT chưa làm rõ nội hàm khiến việc triển khai chính sách ở cơ sở gặp khó khăn.

Cụ thể, tại Khoản 1 - Điều 17 của Thông tư số 12 quy định về “Đối tượng rừng”, Bộ NN&PTNT xác định đối tượng rừng được giao khoán là: “Diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế và diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý trực tiếp”.

Như vậy, hướng dẫn của Bộ không có đối tượng rừng là diện tích rừng đặc dụng được Nhà nước giao cho các BQL rừng dặc dụng quản lý. Vì vậy, các địa phương rất lúng túng khi rà soát, kiểm kê đối tượng rừng để triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng. Các tỉnh: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam đã phải gửi kiến nghị về Bộ NN&PTNT để làm rõ vấn đề này, khiến tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phải chững lại.

Do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên các BQL rừng đặc dụng khó làm tròn chức năng quản lý, bảo vệ rừng, cần thực hiện giao khoán bảo vệ. (Trong ảnh: Hiện trường vụ phá rừng đặc dụng tại tiểu khu 635, 645 xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị năm 2021)
Do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên các BQL rừng đặc dụng khó làm tròn chức năng quản lý, bảo vệ rừng, cần thực hiện giao khoán bảo vệ. (Trong ảnh: Hiện trường vụ phá rừng đặc dụng tại tiểu khu 635, 645 xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị năm 2021)

Ngày 23/3/2023, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1755/BNN-TCLN trả lời kiến nghị của các địa phương. Trong công văn, Bộ NN&PTNT khẳng định, Thông tư 12 kế thừa các quy định, hướng dẫn của giai đoạn trước và quy định đầy đủ theo các chương trình, dự án giai đoạn 2021 – 2025. Đối với diện tích rừng đặc dụng được Nhà nước giao cho các BQL rừng đặc dụng quản lý đã được quy định tại Khoản 5 – Điều 17 của Thông tư số 12.

“Đối với diện tích rừng đặc dụng do BQL rừng đặc dụng quản lý được thực hiện theo phạm vi quản lý (phân bố trên cả khu vực I, II, III), không phân biệt khu vực, được sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng trong Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ”, Công văn số 1755/BNN-TCLN ngày 23/3/2023 của Bộ NN&PTNT cho biết.

Lý giải của BNN&PTNT cũng khá hợp lý, tuy nhiên lại không bảo đảm được tính khoa học khi chưa làm rõ nội hàm của đối tượng rừng được kiểm kê để thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Đáng lẽ, Bộ NN&PTNT phải đưa diện tích rừng đặc dụng do các do BQL rừng đặc dụng quản lý vào Khoản 1 – Điều 17 về “Đối tượng rừng” trong Thông tp 12 để đầy đủ nội hàm rồi mới bổ sung quy định theo Khoản 5 – Điều 17 thì các địa phương sẽ không lúng túng trong quá trình thực hiện.

Tiểu dự án 1 – Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 có mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Trồng khôi nhung tía tại thôn Nà Khâu, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn - Ảnh: TL)
Tiểu dự án 1 – Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 có mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Trồng khôi nhung tía tại thôn Nà Khâu, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn - Ảnh: TL)

Không biết theo văn bản nào

Sai số nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, mà còn tác động đến định mức hỗ trợ của người nhận khoán bảo vệ rừng. Áp dụng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, người nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng được Nhà nước giao cho các BQL đặc dụng quản lý sẽ được hỗ trợ thấp hơn mức hiện hành theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG.

Cụ thể, theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng khi thực hiện chính sách hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm. Định mức này áp dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2020, đã được kiến nghị phải điều chỉnh.

Nhưng tại Thông tư 12 của Bộ NN&PTNT, vì không đưa diện tích rừng đặc dụng được Nhà nước giao cho các BQL đặc dụng quản lý vào “Đối tượng rừng” được giao khoán nên chính sách hỗ trợ nhận khoán rừng đặc dụng không áp dụng theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo Thông tư 12 của Bộ NN&PTNT, kinh phí hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng đặc dụng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 - Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020.

Theo Khoản 2 – Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy BQL đặc dụng thì Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để BQL rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng, mức trung bình 100 nghìn đồng/ha/năm.

Như vậy, cùng một nội dung của chính sách hỗ trợ trong Tiểu dự án 1 – Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 nhưng hai Bộ lại có những hướng dẫn khác nhau, với mức hỗ trợ khác nhau. Do đó, việc bố trí vốn cho các BQL đặc dụng để thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng hiện nay vẫn gặp khó khăn vì không biết phải áp dụng văn bản của Bộ nào cho phù hợp. Để tháo gỡ vướng mắc này, các Bộ, ngành liên quan cần sớm điều chỉnh về cơ chế, chính sách cho phù hợp, thống nhất để thực hiện có hiệu quả chính sách khoán bảo vệ rừng.

Theo kết quả kiểm kê rừng gần đây nhất, trên cả nước đã hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha chiếm gần 15%; rừng phòng hộ là 4,64 triệu ha chiếm khoảng 31,8%, tổng diện tích 02 loại rừng này là 6,9 triệu ha. Bên cạnh đó, đến nay cả nước đã thành lập 398 Ban quản lý rừng (167 BQL rừng đặc dụng; 231 BQL rừng phòng hộ), quản lý gần 50% diện tích rừng của toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.