Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo vệ rừng từ chính sách cho người nhận khoán: Tiếp tục giữ định mức cũ (Bài 1)

Cù Hương - Sỹ Hào - 07:11, 17/11/2023

Khác với chính sách giao đất giao rừng, chính sách khoán bảo vệ rừng khuyến khích người dân, cộng đồng sinh sống ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhưng nhiều bất cập cũ trong chính sách cho người nhận khoán hiện vẫn chưa được giải quyết, ngoài ra còn phát sinh thêm những vướng mắc mới, đòi hỏi phải sớm điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.


(CĐ TÔN GIÁO Cù Hương đã BT) Bảo vệ rừng từ chính sách cho người nhận khoán: Tiếp tục giữ định mức cũ (Bài 1)
Chính sách khoán bảo vệ rừng huy động sự tham gia của người dân cùng lực lượng chức năng duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng.

Hạn mức vẫn thấp

Theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2020, hộ đồng bào DTTTS, hộ dân tộc Kinh nghèo, cộng đồng dân cư ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi là đối tượng được thụ hưởng chính sách khoán bảo vệ rừng. Theo quy định, mỗi hộ tối đa được nhận khoán 30ha, tiền nhận khoán được hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Sau khi Nghị định số 75/2015/NĐ-CP hết hiệu lực (năm 2020), chính sách khoán bảo vệ rừng được thực hiện theo Tiểu dự án 1 – Dự án 3 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Ngày 20/9/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, trong đó có hướng dẫn thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ N&PTNT giữ nguyên định mức theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015. Vì vậy, ở nhiều địa phương, các đối tượng thụ hưởng không mấy mặn mà, tiến độ giao khoán rất chậm.

Đơn cử tại tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 244.000 ha có rừng, trong đó hơn 213.000 ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng và hơn 31.000 ha nằm ngoài quy hoạch có thể giao khoán. Nhưng tính đến giữa tháng 10/2023, toàn tỉnh mới có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng, với tổng diện tích lập hồ sơ thiết kế hơn 9.480ha; trong đó huyện Khánh Sơn có 18 hộ, huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ… Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa quan tâm nhận khoán, là do kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng ở mức 400 nghìn đồng/ha/năm là thấp.

Mới đây (ngày 13 và ngày 17/10/2023), qua giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa tại huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa, đã đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân đăng ký tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Từ đó, giúp các địa phương miền núi của tỉnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Chính sách khoán bảo vệ rừng góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
Chính sách khoán bảo vệ rừng góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng.

Nguy cơ hoàn trả ngân sách

Bấp cập về định mức khoán bảo vệ rừng cho người dân ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được Ủy ban Dân tộc (UBDT) chỉ ra từ nhiều năm nay. Gần đây nhất, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về việc rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBDT đã có Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020, trong đó, chỉ ra quy định không còn phù hợp với thực tiễn về định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

“Với mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 400 nghìn đồng/ha/năm và hạn mức nhận khoán tối đa 30ha, thì một hộ gia đình nhận khoán chỉ được nhận tối đa 12 triệu đồng/năm. Nếu trung bình mỗi hộ nhận khoán bảo vệ 10ha, thì thu nhập từ nhận khoán chỉ 4 triệu đồng/năm. Mức hỗ trợ nhận khoán này còn thấp, mới chỉ góp phần trong thu nhập của người dân”, UBDT chỉ rõ trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT.

Trong báo cáo này, UBDT kiến nghị, cần xây dựng, ban hành nghị định thay thế Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, với những định mức hỗ trợ cao hơn. Được biết, từ năm 2021, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, hoàn thiện Nghị định một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó, có chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng.

Ngày 13/8/2021, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình số 5144/TTr-BNN-TCLN gửi Chính phủ xem xét, ban hành, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nghị định mới thay thế Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Định mức hỗ trợ thấp đang dẫn đến tâm lý so sánh của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách nhận khoán bảo vệ rừng, dẫn đến nguy cơ các địa phương khó giải ngân vốn khoán bảo vệ rừng.

Theo quy định hiện hành, nếu trung bình mỗi hộ nhận khoán bảo vệ 10ha rừng thì thu nhập từ nhận khoán chỉ 4 triệu đồng/năm. (Ảnh minh họa)
Theo quy định hiện hành, nếu trung bình mỗi hộ nhận khoán bảo vệ 10ha rừng thì thu nhập từ nhận khoán chỉ 4 triệu đồng/năm. (Ảnh minh họa)

Đơn cử như tỉnh Lai Châu, trong kiến nghị gửi Bộ NN&PTNT, tỉnh này phản ánh, một số nội dung chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đã được địa phương chi trả từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, với mức cao hơn. Từ thực tế đó, địa phương sẽ không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn sự nghiệp khoán bảo vệ rừng Trung ương giao cho địa phương.

Về vấn đề này, trong Công văn số 1755/BNN-TCLN ngày 23/3/2023 của Bộ NN&PTNT trả lời kiến nghị của các địa phương liên quan, Bộ NN&PTNT cho biết, việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị địa phương thực hiện đảm bảo theo đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ, theo đúng các định mức, cơ chế, chính sách hiện hành, đảm bảo không chồng chéo và trùng lặp với các nguồn kinh phí, thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

“Đề nghị địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ, phân bổ, sử dụng kinh phí trên địa bàn địa phương để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3. Trường hợp không còn chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện, đề nghị hoàn trả lại ngân sách theo đúng quy định”, Bộ NN&PTNT cho hay.

Thực tế, việc thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng không chỉ để bảo vệ, phát triển rừng, mà là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, để không phải “hoàn trả ngân sách nhà nước” chỉ vì định mức hỗ trợ thấp, người dân không mặn mà, thì Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh; trong đó cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 75/2015/NĐ-CP theo hướng bảo đảm thu nhập từ rừng trở thành nguồn thu nhập chính cho những gia đình, cộng đồng sinh sống dựa vào rừng.

Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.