Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

“Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống!”

Thanh Huyền (CĐ) - 22:57, 25/07/2021

“Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống!”, đó là chủ đề của của Ngày thế giới Phòng, chống đuối nước lần đầu tiên (25/7). Để đánh dấu Ngày thế giới Phòng, chống đuối nước lần đầu tiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu cùng nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng và sâu sắc của đuối nước đối với gia đình và cộng đồng, từ đó kêu gọi sự phối hợp đa ngành cho các giải pháp cứu sống sinh mạng.


Dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: tư liệu
Dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: tư liệu

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên trong lịch sử, đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu vào tháng 4/2021 và lựa chọn ngày 25/7 hàng năm là Ngày thế giới Phòng, chống đuối nước. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về phòng, chống đuối nước, không chỉ nhấn mạnh ảnh hưởng to lớn của đuối nước đến sự an toàn và sinh mạng của người dân, mà còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trong thập kỉ vừa qua, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước và đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. 

Hơn 90% các tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Con số nghiêm trọng này, còn chưa bao gồm số người tử vong do tai nạn giao thông đường thủy và thảm họa, thiên tai.

Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu; và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả.

Tiến sĩ Kidong ParkTrưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mặc dù kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm, nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo ước tính, mỗi năm hiện vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em.”

Hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước. Những can thiệp dựa trên bằng chứng như dạy bơi an toàn và kĩ năng an toàn trong môi trường nước sẽ được áp dụng triển khai trên toàn quốc.

“Chính phủ và các đối tác đã có những giải pháp giảm tử vong do đuối nước, tuy nhiên ở cấp độ cộng đồng, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của mỗi gia đình để bảo vệ con em mình khỏi đuối nước”, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để tăng cường các chương trình phòng, chống đuối nước, các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng và có hiệu quả đã được triển khai phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Từ thiện Bloomberg và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, chương trình phòng, chống đuối nước, đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi;  dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên toàn quốc. Chương trình đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và phổ biến trên toàn quốc.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ, cho biết “Chúng tôi tự hào đồng hành triển khai một chương trình vô cùng ý nghĩa để góp phần đảm bảo sự sống còn của trẻ em khỏi tai nạn đuối nước. Chúng tôi mong muốn sẽ chuyển giao những kinh nghiệm của chương trình để áp dụng trên toàn quốc. Điều này rất cần sự đầu tư của chính quyền địa phương và chung tay của mỗi gia đình, cộng đồng”.

Mỗi gia đình tại Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước. 

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống và mọi người đều có vai trò trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước.

Tin cùng chuyên mục
Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

Quỹ phát triển đất là chính sách sử dụng nguồn tiền từ sử dụng đất và huy động những nguồn khác, phục vụ quá trình đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, việc khai thác nguồn quỹ này khá khó khăn.