Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

An Yên - 15:46, 05/09/2024

Để có những thông tin chính xác, đầy đủ về thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Nghệ An, các Điều tra viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, Điều tra viên phải mất cả hàng giờ đi bộ, thậm chí ngồi thuyền máy vượt lòng hồ… mới khai thác đầy đủ thông tin của từng hộ.

Địa bàn rộng, xa cách... khiến cho việc điều tra thu thập thông tin vùng DTTS Nghệ An khó khăn, vất vả
Địa bàn rộng, xa cách... khiến cho việc điều tra thu thập thông tin vùng DTTS Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn, vất vả

Vượt lòng hồ… thu thập thông tin

Ở lòng hồ bản Vẽ huyện Tương Dương, việc di chuyển bằng thuyền để thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của người dân là khó tránh khỏi. Những bản làng biệt lập, xa cách như Cà Moong (xã Lượng Minh), 7 bản làng xã Hữu Khuông… nằm cách trung tâm huyện lị hàng chục km đường rừng, hàng giờ đồng hồ ngồi thuyền máy vất vả.

Không chỉ vậy, nhiều bản làng khác ở Tương Dương như, bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai; bản Na Ngân, xã Nga Mỹ... cách trung tâm xã hàng chục km và giao thông thì muôn vàn trắc trở. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thu thập thông tin thực trạng vùng đồng bào DTTS.

Ông Đặng Đình Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Tương Dương kể khổ: Vào các bản làng vùng lòng hồ rất vất vả, nguy hiểm. Có những điểm bản phải đi bộ thêm hàng giờ mới tới nơi. Vất vả nhất là ở những bản người Mông và Khơ Mú, vì phải nhờ cán bộ xã đi phiên dịch hộ. Có những trường hợp, điều tra xong 1 hộ mất đến mấy giờ đồng hồ hỏi, đáp.

Tương Dương chỉ là một trong nhiều địa phương vùng miền núi Nghệ An có địa bàn xa ngái, biệt lập… gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập thông tin. Tại các huyện như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu… nhiều bản làng cách xa trung tâm xã hàng chục km đường rừng; chưa kể bất đồng ngôn ngữ; sóng điện thoại phập phù… khiến cho những người làm công tác thu thập thông tin rất vất vả.

Thêm một dẫn chứng tại khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát – khu vực định cư của người dân Đan Lai, huyện Con Cuông cũng vất vả không kém. Ngay cả chúng tôi, khi đến vùng đất này, vẫn phải ngồi thuyền máy gần 2 giờ mới đến nơi ở của người dân. Bí thư Chi bộ bản Co Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông là La Văn Linh kể: Trước khi cán bộ vào thống kê thông tin, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ câu hỏi. Nhưng nhiều người dân Đan Lai lớn tuổi nói tiếng phổ thông không tốt, nên khi cán bộ vào thống kê thông tin gặp khó khăn. Có trường hợp, phải hỏi mấy lần thì người dân mới hiểu rõ để trả lời.

Điều tra viên gặp khó khăn do nội dung câu hỏi dài, sóng GPS không ổn định, người già không nói thạo tiếng phổ thông...
Điều tra viên gặp khó khăn do nội dung câu hỏi dài, sóng GPS không ổn định, người già không nói thạo tiếng phổ thông...

Nhìn tổng thể, về điều kiện khách quan, Nghệ An có địa hình miền núi rộng khoảng cách từ địa bàn này đến địa bàn khác quá xa, có một số nơi không có sóng điện thoại hoặc sóng chập chờn nên không thể lấy định vị GPS, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc điều tra.

Bên cạnh đó, trình độ của một số Điều tra viên chưa đáp ứng được công việc, phiếu điều tra quá dài, phần mềm chưa thật hoàn thiện phần định vị GPS, thời gian điều tra trên mỗi hộ là tương đối dài gây ảnh hưởng đến công việc người dân. Mặt khác, nội dung phiếu điều tra dài nhiều câu hỏi khó nên để bố trí thời gian phỏng vấn 1 hộ nhiều nhân khẩu sẽ khó khăn cho Điều tra viên khi hẹn gặp hộ để phỏng vấn.

Vượt tiến độ điều tra

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Lệ, cán bộ Cục Thống kê Nghệ An đã nhấn mạnh mấy lần đến những khó khăn về địa bàn xa ngái, khó định vị GPS; trình độ dân trí thấp và câu hỏi điều tra quá dài… là những trở ngại khiến cho việc điều tra gặp nhiều thách thức.

Thế nhưng, ông Lệ đã khẳng định: Ngành rất nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành sớm, hiệu quả tiến độ điều tra so với Trung ương quy định là 3 ngày. Tính đến ngày 12/8/2024 về cơ bản đã hoàn thành công tác điều tra phiếu 14.450 hộ, đạt 100% và 139/139 xã, đạt 100%.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, đó là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện.

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế- xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại Nghệ An vượt tiến độ 3 ngày so với quy định của Trung ương
Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế- xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại Nghệ An vượt tiến độ 3 ngày so với quy định của Trung ương

Còn nhớ, khi có phương án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế- xã hội của 53 DTTS năm 2024 của Tổng cục thống kê, Cục Thống kê đã ban hành công văn số 65/CTK-TTTT ngày 17 tháng 5 năm 2024 về việc rà soát danh sách xã và danh sách địa bàn được chọn mẫu điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế- xã hội của 53 DTTS năm 2024. Quy trình rà soát được thực hiện theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.

Trong đợt điều tra, thu thập thông tin vừa qua, tỉnh Nghệ An có 466 địa bàn điều tra và 140 xã được chọn để điều tra. Để việc điều tra, thu thập thông tin đạt kết quả cao, công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, qua loa phát thanh thôn bản, các cấp, các ngành đã chú ý đến việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong việc vận động, tuyên truyền người dân phối hợp, đồng tình với chủ trương điều tra của cấp trên.

Đánh giá về kết quả đợt điều tra, thu thập thông tin về 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao cho biết: Cuộc điều tra, thu thập thông tin có ý nghĩa rất quan trọng; là cơ sở để các cấp, các ngành đánh giá lại công tác dân tộc, chính sách dân tộc những năm qua; đồng thời là điều kiện để hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho thời gian tới. 

Nhìn từ đồng bào DTTS Đan Lai, việc điều tra, thu thập thông tin sẽ là cơ sở để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về thực trạng phát triển kinh tế xã hội của dân tộc này; từ đó có những đầu tư, hỗ trợ, quan tâm sát đúng hơn, hiệu quả hơn… với mục tiêu sớm đưa người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài./.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.