Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xác định động lực tạo thu nhập hộ gia đình DTTS: “Chìa khóa” để giảm nghèo bền vững

Sỹ Hào - 15:53, 27/08/2024

Trong nội dung thực hiện cuộc Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (gọi tắt là cuộc Điều tra) năm 2024, phiếu điều tra hộ DTTS có bộ câu hỏi nhằm xác định động lực tạo thu nhập của từng gia đình. Những thông tin thu thập được sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, chính quyền các địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp, là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững bằng động lực của từng thành viên trong mỗi hộ gia đình DTTS.

Xác định động lực tạo thu nhập hộ gia đình DTTS: “Chìa khóa” để giảm nghèo bền vững
Để định lượng được nguồn thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của lao động DTTS là không dễ; nhất là đối với những gia đình chủ yếu tự sản, tự tiêu. (Ảnh minh họa)

Định hướng an sinh xã hội

Mặc dù đã nhiều lần thay đổi bộ tiêu chí, nhưng “Thu nhập” vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với đại đa số hộ DTTS, thu nhập của mỗi gia đình đến từ nguồn khác nhau, xuất phát từ hoạt động sản xuất chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Để định lượng được nguồn thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của lao động DTTS là không dễ; nhất là đối với những gia đình chủ yếu tự sản, tự tiêu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù có giảm hơn năm trước, nhưng cả nước vẫn gần 4 triệu người làm công việc tự sản tự tiêu, trong đó 86,8% tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi.

Vì vậy, việc xác định mục đích chủ yếu từ các hoạt động sản xuất của hộ DTTS nhằm để bán; hay để gia đình sử dụng là một nội dung quan trọng trong cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (gọi tắt là cuộc Điều tra) năm 2024.

Với 04 đáp án gợi ý (chỉ để bán/chủ yếu để bán; chỉ để gia đình dùng/chủ yếu để gia đình dùng), thông tin thu thập được là cơ sở quan trọng để các địa phương triển khai hiệu quả, đúng quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) hiện nay.

Mục tiêu của chính sách giai đoạn 2021 – 2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển".
ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung
Đoàn ĐBQH Hải Dương

Bởi, theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện. 

Nguyên tắc này nhằm khuyến khích hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất vươn lên, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở địa bàn triển khai chính sách.

Cùng với việc thu thập thông tin về động lực tạo thu nhập của hộ DTTS, cuộc Điều tra năm 2024 còn “định vị” những hộ không có động lực tạo thu nhập – đó là tình trạng mất khả năng lao động. 

Thông số này đặc biệt quan trọng để có định hướng chính sách phù hợp, nhất là các chính sách an sinh xã hội, với những hộ khó có khả năng thoát nghèo do có thành viên là lao động chính mất khả năng lao động.

Nguy cơ nghèo bền vững đối với những hộ nghèo có thành viên là lao động chính nhưng mất khả năng lao động đang là một thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo của nước ta. Điều này đã được cảnh báo từ số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) được công bố đấu năm 2024.

Cụ thể, theo Quyết định số 134/QĐ-LĐTBXH ngày 31/1/2024 của Bộ LĐTB&XH phê duyệt kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, cả nước có 168.624 hộ/281.449 nhân khẩu là hộ nghèo do mất khả năng lao động. Trong đó, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là vùng có hộ nghèo do mất khả năng lao động nhiều nhất (63.867 hộ/102.604 nhân khẩu); Trung du và miền núi phía Bắc có 26.290 hộ/49.835 nhân khẩu...

Số hộ nghèo do mất khả năng lao động có nguy cơ được bổ sung bởi hết năm 2023, cả nước vẫn còn 134.391 hộ cận nghèo, với 252.213 thành viên mất khả năng lao động. Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung vẫn là vùng có số hộ cận nghèo do mất khả năng lao động nhiều nhất, với 45.940 hộ/83.306 nhân khẩu.

Xác định động lực tạo thu nhập hộ gia đình DTTS: “Chìa khóa” để giảm nghèo bền vững 2
Nguy cơ nghèo kéo dài đối với những hộ nghèo có thành viên là lao động chính nhưng mất khả năng lao động đang là một thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo. (Ảnh minh họa)

Khi thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG (tháng 10/2023), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, mục tiêu của chính sách giai đoạn 2021–2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội. Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển.

Thúc đẩy ý chí tự lực

“Nếu có một công việc, bạn có sẵn sàng làm việc trong vòng 2 tuần tới không? Ngoài công việc tạo ra sản phẩm với mục đích để gia đình sử dụng, trong 7 ngày qua, bạn có làm công việc hoặc hoạt động kinh doanh nào khác dù chỉ một giờ để tạo thu nhập không? Bạn có muốn làm thêm giờ không?”.

Đây là những câu hỏi rất mở khi tiến hành thu thập thông tin để xác định động lực tạo thu nhập của hộ DTTS trong cuộc Điều tra năm 2024. Mặc dù đáp án chỉ là “Có hoặc “Không” nhưng cũng sẽ là những gợi ý rất quan trọng để đánh giá thực trạng về sự chủ động trong việc tìm việc làm, tạo thu nhập của lao động DTTS, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Cách đây 05 năm, cuộc Điều tra năm 2019 đã cho kết quả, cả nước có 7,9 triệu lao động DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đa số lao động có việc làm cư trú ở nông thôn, chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hộ nghèo có các thành viên trong hộ không có sức lao động, chủ yếu là người cao tuổi già yếu, trẻ em, người khuyết tật, người bệnh ốm đau thường xuyên... là những hộ đặc biệt nghèo. Bản thân các thành viên trong hộ không có khả năng lao động, không thể tiếp cận một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo.

Đặc biệt, số lao động người DTTS “Tự làm” (nhóm công việc yếu thế, không ổn định và hầu hết không có bảo hiểm xã hội) và “Lao động gia đình” không được trả lương, trả công chiếm khoảng 3/4 tổng số lao động DTTS có việc làm. 

Trong đó, “Lao động gia đình” không được trả công trả lương chiếm 38,8%. Vì thế, năm 2019, thu nhập thực tế bình quân một người DTTS chỉ khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13 - 14 triệu đồng/năm.

Để thay đổi thực trạng này, từ năm 2021 đến nay, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS được triển khai theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế các ngành nghề. 

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai doạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) đã có riêng 01 tiểu dự án để thực hiện mục tiêu này.

Cụ thể, Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi) thuộc Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 hướng đến mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ lao động DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở vùng DTTS và miền núi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong đó có Tiểu dự án – Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước; theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở khu vực dịch vụ. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 13,7 triệu lao động, giảm 112,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023; khu vực dịch vụ là hơn 20,7 triệu người, tăng 509,7 nghìn người.

Xác định động lực tạo thu nhập hộ gia đình DTTS: “Chìa khóa” để giảm nghèo bền vững 3
Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong đó có Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở vùng DTTS và miền núi, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận lao động không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay (lao động không sử dụng hết tiềm năng) và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hết 6 tháng năm 2024, có 4,2% lao động (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người) không sử dụng hết tiềm năng; trong đó có nhiều lao động không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê không nêu rõ địa bàn nào hiện đang có nhiều lao động không sử dụng hết tiềm năng. Vì vậy, trong cuộc Điều tra năm 2024, với những câu hỏi thực trạng về sự chủ động trong việc tìm việc làm, tạo thu nhập của lao động DTTS nêu trên sẽ là “bài test” quan trọng, bổ sung thêm dữ liệu cho thực trạng về lao động không sử dụng hết tiềm năng; từ đó có định hướng hiệu quả hơn trong thực thi các chính sách lao động - việc làm trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Krông Pắc (Đắk Lắk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc

Krông Pắc (Đắk Lắk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc

Ngày 17/9, UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn huyện năm 2024. Phó trưởng Ban Dân tộc Hà Huy Quang dự Hội thi. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo huyện, các phòng, ban, hội đoàn thể và các đội thi đến từ các xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.