Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Biến đổi khí hậu – Giá trị của nguồn nước, giải pháp vận hành công trình bền vững

Duy Chí - 18:20, 07/11/2024

Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra tình trạng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và chất lượng nước. Hội thảo chính và quan trọng nhất tại Tuần lễ nước Việt Nam 2024 diễn ra ngày 07/11/2024, đã tập trung bàn giải pháp vận hành an toàn công trình cấp thoát nước và thích ứng bền vững với BĐKH.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các công ty cấp thoát nước, hội viên Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA), đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các diễn giả trong nước và quốc tế. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VWSA điều hành Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA đã nhấn mạnh đến thách thức của BĐKH, vai trò của nguồn nước, chất lượng nước cho cuộc sống và sản xuất, phát triển. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi thừa nước vào mùa lũ nhưng lại thiếu nước và đối mặt với diễn biến thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn vào mùa khô, là thách thức cần được các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm vận hành nhà máy cấp thoát nước an toàn, thích ứng bền vững với BĐKH.

Có 11 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà cung cấp giải pháp công nghệ đến từ các bộ, ban, ngành trong nước, các hội cấp thoát nước quốc tế, tập trung vào chủ đề chính của Hội thảo là nguồn nước, chất lượng nước, vận hành công trình cấp thoát nước, thích ứng bền vững với BĐKH. 

Giáo sư Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra con số, 63% nguồn nước các con sông lớn chảy vào Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài. Cũng từ thượng nguồn các con sông lớn, các nước đã xây dựng rất nhiều công trình làm giảm lưu lượng nước, giảm chất lượng nước.

Đây là vấn đề quan trọng và lâu dài, tác động đến nguồn nước và gây ra cạn kiện nguồn nước cùng với BĐKH. Cùng với các giải pháp ngắn, trung và dài hạn thích ứng với BĐKH, trước mắt Nhà nước cần đổi mới, nâng cao hiệu quả thể chế chính sách, vì hiện nay hệ thống luật pháp có sự chồng chéo, chồng lấp lên nhau trong quản lý vừa gây khó khăn vừa lãng phí rất lớn về nguồn lực. 

Giáo sư Đào Xuân Học phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Đào Xuân Học phát biểu tại Hội thảo

Cụ thể cùng quy hoạch một nội dung, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quy hoạch Thuỷ lợi; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Quy hoạch Nguồn nước và Tài nguyên Môi trường. Cả 2 quy hoạch trên cùng thể hiện 1 vấn đề vì tài nguyên nước và nguồn nước chỉ là 1. Giáo sư Đào Xuân Học dẫn chứng định nghĩa nguồn nước và tài nguyên nước được ghi tại trang 404 tập 4 tự điển Bách khoa Toàn thư.

Từ sự chồng chéo trong thể chế, dẫn đến thực tế một đoạn sông có rất nhiều đơn vị quản lý. Quản lý hai bên sông là một bộ; lòng sông lại do bộ khác quản lý. Khi phát hiện khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, thì rất khó quy trách nhiệm. Cuối cùng không giải quyết được vấn đề.

“Đây chính là mấu chốt và bất hợp lý cần được sớm tháo gỡ, giúp ngành nước nói riêng và các ngành khác nói chung chủ động thích ứng với BĐKH. Rất mong các nhà khoa học, các đại biểu có cùng ý kiến, kiến nghị, giúp Chính phủ sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả”, Giáo sư Đào Xuân Học nhấn mạnh.

Tiến sĩ Sandra Hall, Giám đốc Cơ quan quản lý nước Australia chỉ ra, BĐKH gây suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn nước, là 1 trong 5 rủi ro toàn cầu cũng như hạn hán, thiên tai… Để thích ứng bền vững cần có kế hoạch ứng phó lâu dài, quản trị tốt, cân bằng và phát triển bền vững; bảo đảm chất lượng nước; bảo đảm cung cấp nước sạch, vệ sinh cho cộng đồng.

ĐBSCL được các nhà khoa học đánh giá là khu vực kinh tế quan trọng, lớn thứ 3 thế giới; vựa hải sản lớn nhất nước, chiếm 60% xuất khẩu thuỷ hải sản; đóng góp 20% GDP cả nước và có độ phẳng đều, nên mỗi tác động tại mỗi nơi trong khu vực đều làm ảnh hưởng cả khu vực. 

Giải pháp quan trọng nhất được các nhà khoa học chỉ ra “Quản lý nguồn nước, quản lý môi trường là quản lý cả khu vực chứ không thể riêng lẻ, cục bộ. Giải pháp xuyên suốt lâu dài cho bảo đảm nguồn nước và thích ứng với BĐKH cho ĐBSCL, là chấm dứt tình trạng chia nhỏ manh mún, nhất thời. Thay vào đó là sự thống nhất trong nhận thức, thực hiện quy hoạch đồng bộ với tầm nhìn dài hạn”.

Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn đúc kết: BĐKH là đương nhiên sẽ diễn ra và không thể né tránh. Giải pháp của các nhà khoa học, nhà quản lý chỉ ra tại Hội thảo không phải chống BĐKH, mà là hướng đi thuận thiên, giải pháp thích ứng bền vững, phù hợp và dễ áp dụng trong thực tế.