Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Biển ngày càng gần hơn

PV - 13:59, 09/07/2018

Sống bên mép sóng, những cơn triều cường ngày càng dữ dội đang tiến sát vào bờ, người dân vùng biển miền Trung nhao nhác với nỗi lo canh cánh, người mất nhà, kẻ mất đất, người mất miếng ăn, những đứa trẻ nheo nhóc chỉ vì những cơn sóng vô tình. Thế nhưng, để có một giải pháp bền vững cho những ngôi làng này không phải là chuyện dễ.

BÀI 2: ĐI VỀ ĐÂU NHỮNG NGÔI LÀNG NẰM BÊN MÉP SÔNG

Tái định cư... không dễ

Trước thực trạng biển ngày càng lấn sâu vào làng, việc di dời, tái định cư (TĐC) cho bà con đã được các cấp chính quyền tính tới. Ông Hà Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định), cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, cấp đất cho 21 hộ tại những vùng sạt lở, vùng bị thiên tai bão lũ uy hiếp ở thôn Trung Lương đến khu TĐC có diện tích 6ha ở thôn Phương Nghi. Mỗi hộ nhận từ 140-150m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà”.

Nhiều rừng dương chắn sóng tại các làng biển bị sóng đánh trơ gốc. Nhiều rừng dương chắn sóng tại các làng biển bị sóng đánh trơ gốc.

Theo lời ông Dưỡng, dù địa phương luôn quan tâm tới vấn đề TĐC cho bà con sinh sống ở vùng sạt lở, nhưng ngặt nỗi, bà con vẫn còn nặng tâm lý “tiếc của” nên chưa di dời được.

Ví dụ như trường hợp bà Phạm Thị Thọ, ở xóm Chánh Lương, thôn Trung Lương. Gia đình bà nằm trong diện phải di dời vào khu TĐC triều cường Trung Lương. Đất TĐC đã được giao, nhưng chần chừ mãi đến giờ bà cũng không chuyển lên đó ở.

“Vợ chồng tích góp mấy chục năm, vay mượn thêm bà con anh em lối xóm mới dựng nên căn nhà kiên cố ở gần biển, giờ bảo chuyển vào trong khu TĐC, lấy tiền đâu mà xây nhà”, bà Thọ cho hay.

Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Bình Định), nhìn nhận: “Hầu hết, người dân ở vùng sạt lở và nguy hiểm phải di dời TĐC là dân nghèo, khả năng tài chính quá eo hẹp, dù mức hỗ trợ di dời tăng lên 2 lần, tức từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ, song vẫn không đáp ứng đủ kinh phí xây dựng nhà cửa. Mặt khác, do đời sống lâu đời gắn liền với đất ở và mồ mả tổ tiên… nên một số hộ không muốn đến nơi ở mới”.

Tương tự, ở làng chài An Phú (Phú Yên), tỉnh cũng đã xây dựng khu TĐC để di dời dân khỏi vùng sạt lở nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân vẫn phải bấu víu ở lại, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

Cần giải pháp bền vững

Có một thực tế, biển càng ngày càng lấn bờ nhưng chính quyền và người dân lại tỏ ra khá lúng túng, chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định, cho rằng, những năm qua, hầu hết các tỉnh duyên hải miền Trung áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở bờ biển. Theo đánh giá chung, đây là giải pháp có đầu tư cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực; không phù hợp với xu thế chung đang được nhiều nước hướng tới, là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và trả lại không gian cho biển.

Còn theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, hiện nay chúng ta đang xử lý kiểu tình thế. Tức là sạt lở đâu, chữa ở đấy. Không những không bảo vệ được ngay chính vị trí của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó, một phần là nguồn vốn còn rất hạn hẹp, chúng ta không thể tính toán căn cơ, lâu dài được.

Qua các kênh hội thảo, các nhà khoa học quốc tế đã chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trồng rừng ngập mặn để tạo những vành đai chắn sóng, hạn chế tình trạng xâm thực và sạt lở bờ biển. Nhưng giải pháp này khi triển khai thực tế đã gặp thất bại. Do yếu tố địa hình và phía ngoài ven bờ biển miền Trung ngập sâu, không có bãi bồi, chế độ triều không tạo điều kiện cho phù sa bồi đắp… Thực tế, nhiều năm trước đây, người dân làng biển An Kỳ (Quảng Ngãi) cùng nhau trồng dừa, dương liễu tạo thành một “kè” chắn sóng.

Tuy nhiên, trước sự bất lợi về địa hình, lớp cây xanh chắn sóng ven biển Tịnh Kỳ không kham nổi sóng gió, không đủ sức bảo vệ, che chắn cho người dân trước sự tàn phá của sóng biển vào mỗi mùa mưa bão.

“Chỉ có cây không, thì đâu có đủ. Đi dọc theo bờ biển Tịnh Kỳ, nhất là ở những đoạn hay sạt lở, có biết bao gốc dừa bị sóng biển đánh đến bật cả gốc”, ông Lý Văn Gần, một người dân sống nhiều năm ở làng biển An Kỳ, thở dài.

Trước tình hình trên, rất mong thời gian tới, các cơ quan tổ chức cần ưu tiên đầu tư cho việc nghiên cứu giải pháp ứng phó với xâm thực biển ở miền Trung. Đây là một trong những việc cần phải làm ngay trước khi quá muộn.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.