Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Biểu tượng linh thiêng giữa lòng tháp cổ

Thái Sơn Ngọc - 20:01, 05/05/2025

Tháp Pô Rômê được giới nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những công trình có niên đại “trẻ” nhất trong hệ thống tháp Champa. Tuy không đồ sộ như tháp Hòa Lai hay Pôklong Garai, song tháp Pô Rômê lại sở hữu những đường nét kiến trúc và hoa văn độc đáo, mang phong cách riêng. Đặc biệt, giữa lòng ngọn tháp hơn 300 năm tuổi này đang lưu giữ một bảo vật Quốc gia - bức phù điêu vua Pô Rômê - được đồng bào Chăm đời này qua đời khác gìn giữ như một biểu tượng linh thiêng.

Các vị chức sắc thực hiện nghi thức cúng mở cửa tháp Pô Rômê và ca ngợi công lao các vị thần
Các vị chức sắc thực hiện nghi thức cúng mở cửa tháp Pô Rômê và ca ngợi công lao các vị thần

Giữa tháng 4/2025, chúng tôi có dịp đến thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước - cách trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận không xa, để chiêm ngưỡng bức phù điêu quý hiếm đang được lưu giữ tại tháp Pô Rômê. Tháp tọa lạc trên đồi Bôn A Cho. Nhìn từ xa, công trình hiện ra sừng sững giữa vùng đồi cát đặc trưng của Ninh Thuận, như một dấu ấn bền bỉ của nền văn hóa Chăm rực rỡ một thời.

Đây là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch của người Chăm và cũng là công trình lớn cuối cùng của Vương quốc Champa, được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vua Pô Rômê - vị vua có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống tín ngưỡng của dân tộc Chăm. Theo sử liệu, bia ký và ký ức dân gian, vua Pô Rômê trị vì từ năm 1627 đến 1651. Ông được xem là người có công lớn trong việc phát triển chữ viết Chăm, hòa hợp dân tộc, gắn kết tôn giáo và đưa kỹ thuật dẫn thủy nhập điền vào sản xuất nông nghiệp.

Phù điêu vua Pô Rômê - Bảo vật Quốc gia được dân làng phụng thờ tại tháp Pô Rômê
Phù điêu vua Pô Rômê - Bảo vật Quốc gia được dân làng phụng thờ tại tháp Pô Rômê

Sau khi vua Pô Rômê qua đời, người dân xây dựng tháp để tưởng nhớ và phụng thờ như một vị thần. Quần thể tháp Pô Rômê vốn gồm nhiều hạng mục, nhưng đến nay chỉ còn tháp chính, bia đá và một ngôi miếu nhỏ. Tháp chính cao khoảng 16,5m, gồm bốn tầng, tầng nền mỗi cạnh dài 7,3m. Các đỉnh cột của tháp gắn phiến đá trang trí hình ngọn lửa. Tháp chỉ có một cửa ra vào hướng Đông, phía trước là sân hành lễ dài 5m, rộng 3m, nơi diễn ra các nghi thức theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, ngày 31/8/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận tháp Pô Rômê là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận phù điêu vua Pô Rômê là Bảo vật Quốc gia.

Nằm chính giữa lòng tháp là tượng vua Pô Rômê, chạm khắc bằng đá thành hình phù điêu tinh xảo. Tượng gồm phần thân cao 117cm, rộng 90cm, dày 55cm; phần đế cao 30cm, rộng 125cm, dài 170cm. Đầu tượng đội mũ trụ tròn, trang trí dải hoa bốn cánh, phía trên có hình chiếc đinh ba - biểu tượng quyền lực của vua. Đôi mắt tượng hơi xếch về thái dương, ria mép vểnh, râu cằm nhọn, môi dưới có chấm râu nhỏ. Trên mình tượng không có trang phục ngoài chiếc thắt lưng có hoa văn hoa bốn cánh. Tượng đeo hoa tai bên trái, vòng cổ hoa bốn cánh xen lẫn hai hàng hạt ngọc, cổ tay đeo vòng.

Tượng có tám tay: Hai tay chắp lên bụng, sáu tay còn lại gắn vào vai, mỗi tay cầm một vật tượng trưng. Ba tay bên phải lần lượt cầm dao găm, bông sen và lược; ba tay bên trái cầm đinh ba, lưỡi gươm chạm trổ và một chiếc chén. Phía sau mũ trụ, phía trên hai tay trên cùng có hình xoắn như ngọn lửa nâng đỡ. Đặc biệt, trên đầu tượng còn có năm đầu khác đặt chồng lên nhau, cùng đội mũ trụ xòe ra năm tia hình lông công, tai đeo khuyên và cổ đeo vòng. Hai bên hông tượng là hình hai con bò nằm nghiêng, đuôi vắt lên lưng, cổ đeo vòng - biểu tượng linh thiêng trong văn hóa Bàlamôn.

Ngoài phù điêu vua, bên phải nội thất tháp còn có tượng phụ nữ - được cho là Hoàng hậu Bia Thanh Chan, cao 75cm, rộng 30cm, ngồi trên bệ đá dài 52cm, rộng 41cm. Phía Tây Nam tháp còn có một ngôi miếu nhỏ thờ Hoàng hậu Bia Thanh Chik - người cùng vua Pô Rômê gắn liền trong truyền thuyết dân gian Chăm.

Đồng bào Chăm và du khách đến với tháp Pô Rômê trong mùa lễ hội Katê
Đồng bào Chăm và du khách đến với tháp Pô Rômê trong mùa lễ hội Katê

Không chỉ là di tích kiến trúc - nghệ thuật quý giá, tháp Pô Rômê còn là không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn. Hằng năm, tại tháp diễn ra bốn lễ chính: Lễ mở cửa tháp vào đầu năm Chăm lịch; Lễ cầu đảo vào thượng tuần tháng 4 Chăm lịch; Lễ hội Katê vào tháng 7 Chăm lịch và Lễ Chabul - cúng tế các vị nữ thần vào tháng 9 Chăm lịch.

Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận, Trụ trì tháp Pô Rômê chia sẻ: Tháp Pô Rômê là một di sản văn hóa quý giá của người Chăm nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng tôi rất tự hào khi bảo vật Quốc gia - tượng vua Pô Rômê vẫn được gìn giữ nguyên vẹn trong lòng tháp cổ.

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo và xây dựng hệ thống trưng bày hiện vật phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay di tích vẫn chưa được khai thác hiệu quả để phát huy giá trị trong phát triển du lịch. Cả sư Hán Đô bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, kết nối tour tuyến, đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm di sản. Qua đó, biến di sản thành tài sản - một nguồn lực kinh tế gắn với sinh kế của người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề "Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam"

Sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề "Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam"

Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); 71 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2025), từ ngày 05 - 31/5/2025 sẽ tổ chức các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.