Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Biểu tượng mẫu hệ trên cầu thang nhà dài của người Gia Rai

Hồ Xuân Toản - 11:34, 14/05/2023

Cộng đồng các DTTS vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai nói riêng theo chế độ mẫu hệ. Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống của người Gia Rai, là do người phụ nữ làm chủ và được biểu hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trong đó, chiếc cầu thang nhà dài - một vật dụng biểu hiện rõ nét yếu tố mẫu hệ trong xã hội, trong văn hóa cũng như trong quan niệm sống của người Gia Rai.

"Sang Dlông Jrai Đưm" - Nhà dài ngày xưa của người Gia Rai.
"Sang Dlông Jrai Đưm" - Nhà dài ngày xưa của người Gia Rai.

Nhà dài (sang Dlông) là kiến trúc độc đáo của người Gia Rai, chủ yếu phân bố ở vùng Đông Nam của tỉnh Gia Lai, nơi có các nhóm Gia Rai Mthur, Gia Rai Chor sinh sống. Người Gia Rai ở vùng này không làm nhà rông, mà chỉ có nhà dài. Do vậy, nhà dài không chỉ là nơi sinh sống của gia đình, mà đôi khi còn là nơi để sinh hoạt, hội họp của cộng đồng khi cần giải quyết các công việc của làng (nhà của già làng, trưởng thôn).

Nhà dài được làm bằng vật liệu chủ yếu như: Gỗ dùng để làm cột, vì kèo, xẻ làm ván lót sàn; tranh dùng để lợp; tre nứa, lồ ô đập dập dùng để làm vách... Điểm nổi bật trong kiến trúc nhà dài của người Gia Rai là chiếc cầu thang. Mỗi nhà dài đều có một cầu thang chính đặt ngay đầu hồi, mặt chính của ngôi nhà và một cầu thang phụ ở phía sau. Có nhà còn làm thêm những cầu thang phụ khác để lên xuống cửa hông khi có việc, hoặc khi thực hành các nghi thức, lễ cúng. Loại cầu thang này được làm rất đơn giản, chỉ bằng một đoạn thân cây tre, hoặc thanh gỗ nhỏ.

Chiếc cầu thang (kơnam) ở trước nhà được xem là cầu thang chính, khách đến nhà phải đi qua cầu thang này. Độ dài - rộng, lớn - bé của cầu thang tùy thuộc vào việc gia chủ làm nhà cao hay thấp, điều kiện kinh tế giàu hay nghèo. Nguyên liệu để làm cầu thang thông thường được làm bằng gỗ cà chít, đây là loại gỗ tốt, có độ bền cao, ít mục ruỗng, nứt nẻ, mối mọt.

Nhà dài với chiếc cầu thang ngay đầu hồi của người Gia Rai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Xuân Toản)
Nhà dài với chiếc cầu thang ngay đầu hồi của người Gia Rai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Người Gia Rai quan niệm, số lẻ là số may mắn, do vậy khi làm cầu thang, số bậc trên mỗi cầu thang cũng được xem xét, tính toán cẩn trọng và làm theo số lẻ (3,5,7). Thông thường loại cầu thang với 7 bậc cấp là phổ biến nhất. Việc làm cầu thang theo số lẻ được người Gia Rai lý giải sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc, sung túc.

Cầu thang chính lên nhà dài của người Gia Rai phong phú về loại hình và được sáng tạo dưới nhiều dạng thức khác nhau: Cầu thang đơn giản (không có các chi tiết điêu khắc); cầu thang có điêu khắc đôi bầu vú (tơsâu) của người phụ nữ; cầu thang có điêu khắc biểu tượng mặt trăng (yă blan), ngà voi, hình cây rau dớn…

Chiếc cầu thang nhà dài của người Gia Rai đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Xuân Toản)
Chiếc cầu thang nhà dài của người Gia Rai đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Cầu thang nhà dài được người Gia Rai chia làm 2 phần: Phần thứ nhất là các bậc thang, được đục đẽo sao cho phù hợp với bàn chân (đi nghiêng) và sải bước khi lên xuống nhà dài. Phần thứ hai là nửa trên của cầu thang - nơi có các chi tiết điêu khắc, thường chiếm khoảng 1/4 chiều dài của cầu thang. 

Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ tương đối, vì còn phụ thuộc vào chiều dài hoặc số lượng bậc trên mỗi cầu thang và chiều cao - thấp ở mỗi nhà. Phần trên của cầu thang được vạt cong nhẹ, mềm mại, có tạo hình 2 bầu vú hoặc mặt trăng rất sinh động. Những họa tiết này được xem là biểu trưng quyền lực của người phụ nữ, nét uy quyền trong văn hóa mẫu hệ của người Gia Rai.

Bầu vú là biểu tượng cho sự sinh tồn, là mạch nguồn của sự sống. Cũng như người mẹ, người vợ có bầu vú để nuôi dưỡng đời sống con người. Đây còn là biểu tượng cho sự căng đầy, no đủ trong cuộc sống của con người.

Chi tiết điêu khắc mặt trăng trên cầu thang nhà dài Gia Rai cũng là biểu tượng mang tính âm (nữ). Các họa tiết trang trí trên cầu thang, cũng được xem là biểu tượng của sự giàu có và quyền quý. Xưa kia, chỉ những gia đình khá giả, có tiếng nói trong buôn làng mới làm những cầu thang với những họa tiết trang trí sống động này. 

Nếu như người Ê Đê, cầu thang lên nhà dài thường có 2 cầu thang với 2 biểu tượng: Mặt trăng (tính âm), mặt trời (tính dương). thì ở người Gia Rai không thấy có cầu thang mang biểu tượng tính dương. Đây là một trong những điểm khác biệt giữa người Gia Rai và người Ê Đê.

Nét đẹp lao động đời thường của các cô gái Gia Rai trên ngôi nhà dài truyền thống
Nét đẹp lao động đời thường của các cô gái Gia Rai trên ngôi nhà dài truyền thống (Ảnh Phạm Quý)

Người Gia Rai theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, mọi vật đều có sự trú ngụ, cai quản của thần linh. Do đó, việc chọn cây làm nhà dài nói chung, làm cầu thang nói riêng phải được thực hiện theo những nghi thực nghiêm ngặt. 

Trước khi lấy gỗ, họ đều có những lễ cúng tạ thần linh xin phép được mang cây gỗ đó về làm nhà, cầu thang, lễ vật thông thường là con gà và ghè rượu. Người thợ làm phải là người có uy tín, tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt, được lựa chọn cẩn thận, khi đó cầu thang mới đẹp, các bậc thang đều, thẳng.

Để làm một chiếc cầu thang có các chi tiết điêu khắc, người thợ mất khoảng 2 đến 3 ngày thì hoàn thiện. Chiếc rìu là dụng cụ xuyên suốt trong quá trình làm ra cầu thang nhà dài, từ việc chặt cây, tạo hình đến việc đẽo gọt từng chi tiết chạm khắc trên cầu thang. Sự khéo léo của người thợ được thể hiện rõ nét qua việc tạo hình các chi tiết bày trí trên cầu thang một cách cân đối, hài hòa và mang tính biểu tượng cao.

 Đây cũng là một trong những chi tiết quan trọng trong tín ngưỡng của người Gia Rai, đồng bào quan niệm, bầu vú trên cầu thang của người Gia Rai phải căng tròn, cân đối hài hòa, khi đó gia chủ mới có được cuộc sống đủ đầy, ấm no.

Phụ nữ Gia Rai giã gạo chuẩn bị cho lễ hội
Phụ nữ Gia Rai giã gạo phục vụ cho lễ hội của làng

Nhà dài là không gian sinh sống, gắn kết bao thế hệ của người Gia Rai. Cầu thang nhà dài không những là một tác phẩm điêu khắc, mà còn là biểu tượng sinh động cho chế độ mẫu hệ cũng như giá trị phồn thực trong ý niệm của người Gia Rai. Bên cạnh chức năng là một vật dùng để lên xuống nhà, cầu thang nhà dài còn là một đặc trưng tiêu biểu trong kiến trúc, văn hóa truyền thống của người Gia Rai ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai.

Trong điều kiện ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, những ngôi nhà dài, những chiếc cầu thang sinh động dần bị thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại, chất liệu hiện đại, những chiếc cầu thang cũng đi vào dĩ vãng. 

Dẫu biết sự biến đổi là điều tất yếu, nhưng làm thế nào để sự biến đổi không làm mất đi những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống, là bài toán cần được các nhà quản lý xã hội cũng như người dân - là những chủ thể văn hóa lưu tâm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.