Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Cần xử lý dứt điểm những bất cập tại Cụm công nghiệp Cát Khánh

Lê Phương - 22:26, 10/04/2020

Không chỉ chậm tiến độ, việc quy hoạch và triển khai xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Chế biến thủy sản Cát Khánh, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải xử lý dứt điểm.

Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư CCN Chế biến thủy sản Cát Khánh chỉ mới xây dựng một vài hạng mục nhỏ
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư CCN Chế biến thủy sản Cát Khánh chỉ mới xây dựng một vài hạng mục nhỏ

Chậm tiến độ

Cát Khánh là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Kinh tế biển phát triển đã kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, nhất là các dịch vụ thu mua và chế biến thủy sản. Vì thế, UBND tỉnh Bình Định quyết định bổ sung CCN Chế biến thủy sản Cát Khánh vào Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. CCN này được xây dựng tại thôn Thắng Kiên, trên khu đất có diện tích 60ha (tháng 7/2016, điều chỉnh lại quy hoạch còn hơn 41ha), với ngành nghề thu hút đầu tư là: Chế biến nông, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp hàng tiêu dùng khác. 

Ngày 13/11/2017, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương giao Công ty CP Đầu tư HQG làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN; triển khai từ quý IV/2017. Tiếp đó, ngày 5/11/2018, UBND tỉnh đã cho Công ty trên thuê 10,7ha đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư là 86,75 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động từ quý IV/2019. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư mới thực hiện một số hạng mục, như: Đường giao thông nội bộ giai đoạn 1; hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước với giá trị xây lắp thực hiện khoảng 18 tỷ đồng.

Để xây dựng CCN trên, huyện Phù Cát phải thu hồi một diện tích khá lớn đất sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, chính quyền địa phương rất trăn trở về vấn đề này. Đất người dân đang sản xuất ổn định nhưng vì sự phát triển của địa phương nên người dân chấp nhận “nhường” đất để làm CCN. Thế nhưng, giải phóng mặt bằng xong thì chủ đầu tư không chịu làm. Hiện nay, CCN này gần như là một khu đất hoang, trở thành địa điểm để chăn thả gia súc, phơi nông sản, thậm chí là điểm đổ rác, vô cùng lãng phí, trong khi dân không có đất sản xuất”.

 Nhiều bất cập

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ CCN này chậm tiến độ, một phần vì chủ đầu tư không đủ vốn còn có một nguyên nhân khác là quy hoạch chưa hợp lý. Qua khảo sát nhu cầu của người dân, nhất là các chủ cơ sở dịch vụ thu mua và chế biến thủy sản đều không có nhu cầu vào CCN, vì họ đã có cơ sở sẵn, trong khi vào CCN thì sẽ trả phí cao. Ngoài ra, CCN này nằm sát với khu dân cư, nên khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ: Địa phương có được một CCN là điều đáng mừng, sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, xung quanh CCN này đều là khu dân cư đông đúc. Nếu chỉ thu hút ngành nghề chế biến nông sản và thủy sản như quy hoạch ban đầu thì không ổn. 

“Địa phương mong các ngành chức năng của huyện, tỉnh đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư sớm hoàn thiện CCN. Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp hoạt động các ngành nghề thân thiện với môi trường để tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương”, ông Hiếu chia sẻ.

Tới đây, UBND huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm vấn đề trên. Huyện sẽ buộc chủ đầu tư cam kết bảo đảm tiến độ triển khai xây dựng các hạng mục của CCN trong thời gian sớm nhất. Nếu họ không đồng ý, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư”.

Ông Nguyễn Trung Kiên,

Chủ tịch UBND huyện Phù Cát.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.