Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Định: Hiệu quả của chính sách dân tộc nhìn từ cuộc điều tra 53 DTTS

T.Nhân - 16:00, 25/11/2024

So với số liệu từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, vùng đồng bào DTTS và miền núi Bình Định đến nay đã có nhiều khởi sắc, nhiều tiêu chí đánh giá có sự thay đổi theo hướng tích cực. Một trong những điều ấn tượng nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 24% so với số liệu thống kê năm 2019.

Nhiều tín hiệu khả quan

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn tỉnh có 39 dân tộc cùng chung sống. Trên địa bàn tỉnh có 21 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi và có 5 thôn đặc biệt khó khăn.

Theo Ban dân tộc Bình Định, mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân vùng đồng bào DTTS, đến nay bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Một trong những thành quả nổi bật nhất trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định, là tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm gần 24% so với 5 năm trước.

Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình ĐỊnh đã có nhiều khởi sắc
Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình ĐỊnh đã có nhiều khởi sắc

Cụ thể, nhìn từ số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ II năm 2019 của Cục Thống kê Bình Định cho thấy, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở tỉnh chiếm đến 64,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm hơn 18%. Từ kết quả cuộc điều tra này, các cấp đảng ủy, chính quyền tỉnh Bình Định tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho người dân, trong đó ưu tiên sinh kế và hạ tầng thiết yếu.

Sau những cố gắng, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS Bình Định giảm xuống chỉ còn 40,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,9%. Để có được thành quả này, Bình Định đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương.

Ví dụ như, để giảm nghèo, Chính phủ có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, theo đó địa phương đã đầu tư 263 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng và 2 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết cho hơn 4.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật (Dự án 2). Cùng với đó, Bình Định thực hiện 108 dự án phát triển sản xuất cộng đồng cho 1.412 hộ theo Tiểu dự án 1 Dự án 3 …

Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) để hỗ trợ cho người dân. Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ trợ 68 con bò giống cho 55 hộ, 6 con trâu, 270 con heo đen, 166 con heo cái F1 sinh sản, 45 con heo móng cái sinh sản, 4.700 con gà thả vườn và 650 cây cam….

Các điều tra viên thu thập thông tin tại hộ dân
Các điều tra viên thu thập thông tin tại hộ dân

Năm 2023, thực hiện 66 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (chủ yếu dự án chăn nuôi bò, trâu, dê, heo đen, gà …) và 3 dự án trồng trọt (dừa xiêm, cam xoàn, dứa mật) cho hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo.

Có thể nói, nguồn lực từ các chính sách đặc thù, các chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những quyết sách giúp Bình Định đẩy lùi “cái nghèo” ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua. Từ các chương trình, dự án đã đầu tư hỗ trợ, tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh. Trong giai đoạn qua, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trung bình mỗi năm là 4,76%.

Chú trọng hạ tầng thiết yếu cho vùng khó

Cũng từ số liệu về thực trạng cơ sở hạ tầng từ cuộc điều tra 53 DTTS năm 2019, những năm qua, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS Bình Định cũng từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Qua đó, giúp cho việc đi lại, khám bệnh, học hành của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh ngày càng cải thiện, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo số liệu điều tra năm 2019, Bình Định có 45 xã vùng DTTS và miền núi có Nhà văn hóa, đạt 84,9% trên tổng số xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh; 7 xã không có Nhà văn hóa, chiếm tỷ lệ 12,9%. Số thôn có DTTS có Nhà văn hóa là 304 thôn, chiếm tỷ lệ 96,2% tổng số thôn có DTTS.Vùng đồng bào DTTS có 58,5% số trạm y tế được xây dựng kiên cố và 41,5% trạm y tế được xây dựng bán kiên cố. Có 50 trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, chiếm tỷ lệ 94,3%; tỷ lệ trường học và phòng học kiên cố chỉ chiếm khoảng 65%...

Từ sau cuộc điều tra, Bình Định đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, đường giao thông và các công trình hạ tầng khác. Theo đó, với kinh phí khoảng 1.172 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng vùng DTTS trên 604 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. 

Chính sách dân tộc đang góp phần cải thiện chất lượng sống vùng đồng bào DTTS ở Bình Định
Chính sách dân tộc đang góp phần cải thiện chất lượng sống vùng đồng bào DTTS ở Bình Định

Theo đó, đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, trên 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi, trong đó có trên 60% công trình thủy lợi kiên cố; 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc nhựa đến trung tâm xã; trên 90% đường trục thôn, xóm được cứng hóa. Trên 98% số làng dùng điện lưới quốc gia (còn 2 làng hiện nay đang triển khai kéo điện lưới quốc gia); có trên 99% hộ dùng điện lưới.

Tỷ lệ trường học đạt chuẩn trên 62%; có 100% xã, thị trấn có trạm y tế; 6/6 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã phủ sóng điện thoại di động; 100% số xã có đài truyền thanh, 100% số xã phủ sóng truyền hình; 100% số hộ dân tộc thiểu số dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

 Các trường bán trú đã xây dựng bếp ăn và các công trình phụ trợ khác để phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập ổn định cho học sinh; 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; 100% trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa...

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc Bình Định, qua điều tra thực trạng 53 DTTS mới đây sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương; cũng như địa phương có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030; làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

“Với mục tiêu đến năm 2029, tỷ lệ giảm nghèohàng năm 3 - 4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay; trong thời gian tới, căn cứ số liệu điều tra sắp được công bố, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, các chương trình MTQG, trong đó tỉnh sẽ giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh… cho đồng bào DTTS số theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo đồng bào DTTS”, ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định chia sẻ thêm.