Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Bình Định: Người có uy tín đi đầu trong mọi việc quan trọng của địa phương

Thành Nhân - 07:53, 16/05/2022

Bằng uy tín và trách nhiệm, những Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Định đã phát huy tốt vai trò nêu gương, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng với cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.


Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Định tích cực tuyên truyền phòng chống dịch Covid- 19
Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Định tích cực tuyên truyền phòng chống dịch Covid- 19

Gương sáng của làng

Tỉnh Bình Định có 122 Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát. Trong những năm qua, các già làng, Người có uy tín đã thực sự là những tấm gương sáng để bà con noi theo.

Đơn cử như ông Bá Kiêu, ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn được bà con trong làng tin tưởng, đề cao là người đi tiên phong phát triển kinh tế. Khi mới có chủ trương vận động bà con tham gia các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân còn ngần ngại, không muốn tham gia, già làng Bá Kiêu đã xung phong làm trước. 

Theo đó, ông cùng gia đình cải tạo vườn trồng cây ăn quả, trồng rau sạch và trồng cây keo lai. Sau khi thấy được hiệu quả từ việc làm của ông, nhiều người dân đã làm theo. Giờ đây, hầu hết các hộ gia đình ở xã Vĩnh An đều biết tận dụng đất vườn nhà để sản xuất, có rau sạch để ăn, còn dư thì mang ra chợ bán, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Xã Vĩnh An có 404 hộ, với 1.510 nhân khẩu được chia thành 5 làng, trong đó đồng bào Ba Na chiếm gần 90%. Kinh tế của bà con ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn, nên công tác vận động tham gia các mô hình sản xuất, bảo tồn văn hóa gặp không ít trở ngại. "Mình phải gương mẫu, luôn phân tích nhẹ nhàng, không nóng vội thì bà con mới nghe và làm theo", ông Bá Kiêu nói.

Còn ở làng T2, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), ông Đinh Sinh (82 tuổi) được người dân tin yêu, đặt ông cái tên: “Vua hòa giải”. Để làm tốt công tác vận động và hòa giải, già làng Đinh Sinh thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ bà con tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thuyết phục mọi người tin vào lẽ phải và phân biệt cái đúng, cái sai. Từ đó, người dân tự ý thức việc làm của mình, tự hóa giải những mâu thuẫn nhỏ, sống hòa thuận và đoàn kết.

Già Đinh Sinh bộc bạch: Để làm tốt công tác hòa giải, thì trước hết mình phải luôn gần gũi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con. Có nhiều trường hợp người dân trong làng mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi lại nhiều lần, kiên trì, khéo léo phân tích đúng, sai, phải, trái, làm chỗ dựa tin cậy thì bà con mới tin tưởng, nghe theo.

Tại thôn 1, xã An Dũng, huyện An Lão, nhiều tháng qua, già làng Đinh Văn Chẻ vẫn âm thầm đến những hộ dân xung quanh để tuyên truyền, nâng cao ý thức, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Già Chẻ cho biết: Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, già cùng các thành viên trong thôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong thôn để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, mọi người dân trong thôn đều có ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch do chính quyền đưa ra. 

Già làng Đinh Sinh (ngoài cùng bên phải) được xem là “vua hòa giải” tại xã Bok Tới, huyện Hoài Ân
Già làng Đinh Sinh (ngoài cùng bên phải) được xem là “vua hòa giải” tại xã Bok Tới, huyện Hoài Ân

Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu

Hiện nay, đa số các già làng, Người có uy tín đều đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, sức lực không như thời còn trai trẻ, nhưng với tấm lòng vì cộng đồng, trong bất cứ công việc gì của làng họ vẫn xông pha lên tuyến đầu. Ông Bá Kiêu tâm sự: Già được bà con tin tưởng thì phải cố hết sức làm tốt mọi việc để bà con noi theo. Điều già trăn trở nhất hiện nay là,  tại xã Vĩnh An vẫn còn tình trạng nghiện rượu, tự tử, tự sát và sản xuất lạc hậu nên đời sống còn khó khăn.

 Để xóa bỏ tình trạng này, già sẽ đi đến từng nhà nhiều lần, lắng nghe, chia sẻ và kiên trì giải thích, phân tích cái lợi và mặt hại của từng trường hợp; để người dân hiểu, nhận thức được vấn đề, từ đó điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giúp gia đình, cộng đồng làng xóm yên bình, đời sống phát triển đi lên.

Trong khi đó, già làng Đinh Văn Chẻ kể lại, trong thời gian cao điểm của dịch, ông thường xuyên nhắc nhở, giải thích để bà con hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, không tập trung đông người, tuân thủ việc đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Nhà nào có người thân ở nơi khác về thì phải khai báo y tế, xét nghiệm nhanh để nếu có bệnh thì cách ly điều trị. Khi có người lạ tới địa phương, phải kịp thời báo cáo cho chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã biết để theo dõi. Hiện nay, tình hình dịch đã tạm ổn, nhưng không vì thế mà chủ quan. Ông vẫn tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở bà con cẩn trọng, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định chia sẻ: Nhờ có uy tín và nắm rõ tình hình ở địa phương, Người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là “cánh tay nối dài” của chính quyền thôn, xã trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 Đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những Người có uy tín đã thể hiện được vai trò của mình. Thực tế, những thôn, làng được Người có uy tín tích cực vận động, tuyên truyền phòng, chống dịch thì thường không xảy ra dịch bệnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ kịp thời nêu gương, khen thưởng những Người có uy tín tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát huy hơn nữa vai trò của họ ở các thôn, làng đồng bao DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.