Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Nhiều di tích xuống cấp - Cần nhìn lại công tác bảo tồn

Phương Lê - 15:49, 10/11/2021

Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 133 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 97 di tích cấp tỉnh ở nhiều loại hình: Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hầu hết di tích ngoài trời, trải qua thời gian, cùng với nhiều biến động lịch sử, thiên tai nên nhiều di tích đã xuống cấp, cần nhanh chóng đầu tư, tôn tạo.

Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ bị xuống cấp nghiêm trọng
Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ bị xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều di tích bị xâm hại, xuống cấp

Vài năm trở lại đây, câu chuyện quản lý, ứng xử với di tích của các cấp ngành trong tỉnh Bình Định đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Một trong những di tích có số phận “đáng thương” nhất là, Di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, ở phường Trần Hưng Đạo (TP. Quy Nhơn) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận, xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1998. 

Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Các vách tường bị bong dộp từng mảng, thấm ướt mỗi khi có mưa; hệ thống đà gỗ, mái ngói bị mục, hư hỏng nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến công tác lưu trữ, bảo vệ các tài liệu, hiện vật đang trưng bày trong di tích.

Theo ông Phan Thành Lang, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh Bình Định, Di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, là bằng chứng cho tội ác dã man của kẻ thù, chứng minh hùng hồn tinh thần đấu tranh bất khuất của tập thể tù nhân. Đây còn là nơi để các thế hệ hôm nay và mai sau đến tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ- những người đã xả thân trong nhà tù này vì độc lập dân tộc. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này là việc rất cần thiết.

Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ cần được quan tâm đúng mức
Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ cần được quan tâm đúng mức

Hay như Di tích lịch sử Quốc gia Đồi Cả (tại thôn Chánh Hòa, xã Cát Thành, huyện Phù Cát), thuộc quần thể di tích Khu căn cứ Núi Bà, được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 25/1/1994. Theo các tài liệu lịch sử, từ năm 1967, Đồi Cả, là chốt điểm quan trọng của địch, do một đơn vị thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên đóng giữ, nhằm chia cắt đường giao thông của ta từ căn cứ Núi Bà, qua các xã phía Đông và là điểm cao quan sát khống chế mặt biển. Với vị trí chiến lược quan trọng, nơi đây thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch.

Năm 1973, ta mở cuộc tấn công làm chủ chốt điểm, cắm cờ giữ đất giữ dân, xây dựng cơ sở vững chắc, bảo vệ an toàn cho Nhân dân đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, di tích này bị các đối tượng khai thác đất, đá trái phép “xẻ thịt” trong một thời gian dài, nhưng các ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, một số di tích khác cũng đã và đang bị xâm hại, như: Di tích danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng bị xây dựng công trình trái phép; cụm Di tích quốc gia lò gốm Chăm cổ Gò Sành hay Di tích khảo cổ học quốc gia Thành Cha bị người dân lấn chiếm, chăn nuôi, canh tác…

Giải pháp bảo tồn di sản, di tích trong giai đoạn mới

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, tài nguyên thắng cảnh du lịch của tỉnh phong phú và đa dạng, nhưng thời gian qua, việc khai thác, phát triển chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử, tiềm năng. Một trong những nguyên nhân, là do hệ thống các công trình di sản văn hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đi cùng xuống cấp, thiếu nguồn vốn để đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.

Tháp Dương Long, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt sẽ được tỉnh Bình Định đầu tư, tôn tạo trong thời gian tới
Tháp Dương Long, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt sẽ được tỉnh Bình Định đầu tư, tôn tạo trong thời gian tới

Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa cũng đã được trùng tu, nâng cấp. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di sản gắn với chương trình hành động, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn vừa qua, còn hạn chế. 

Theo đó, để bảo tồn, khai thác giá trị di sản, di tích lịch sử trên địa bàn, Sở VH&TT cũng đã tham mưu UBND tỉnh, kiến nghị Bộ VH-TT&DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đưa các danh mục của 10 di sản văn hóa tiêu biểu vào kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện theo Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Di tích Tháp Chăm Dương Long, Di tích lịch sử Nhà tù số 09 Đào Duy Từ, Khu di tích quốc gia về vụ thảm sát Gò Dài, Di tích cụm tháp Bánh Ít, Di tích mộ danh nhân nghệ thuật tuồng Đào Tấn, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Khu di tích Thành Hoàng Đế - giai đoạn 2 (xây dựng khu Đền thờ Thái Đức Nguyễn Nhạc)…

Theo ông Chánh, việc quy hoạch, bảo tồn các di tích đã bị xuống cấp sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai chương trình hành động phát triển du lịch trong giai đoạn mới của địa phương; Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và các quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, vùng đã được duyệt.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cảnh triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.