Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Bình Định: Nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện chính sách cho Người có uy tín

Thành Nhân - 17:58, 26/10/2021

Qua hơn 10 năm triển khai Quyết định số 18/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định 12/2018/QĐ-TTg), việc thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định, đã mang lại kết quả tích cực. Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi tiếp Đoàn Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện An Lão
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi tiếp Đoàn Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện An Lão

Những “cây cao, bóng cả" của buôn làng

Theo thông tin của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh có 122 Người có uy tín trong đồng bào DTTS thuộc 6 huyện: An Lão 40 người, Vĩnh Thạnh 32 người, Vân Canh 28 người, Hoài Ân 13 người, Tây Sơn 7 người, Phù Cát 2 người. Hầu hết những Người có uy tín đều được bà con xem như “ chỗ dựa tinh thần” trong mọi hoạt động ở địa phương.

Điển hình như già làng Đinh Phik (68 tuổi), ở làng 6, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) không chỉ là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn tích cực vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Già cũng là “trọng tài” trong giải quyết hầu hết vụ việc tranh chấp, bất hòa ở địa phương mình.

Già làng Đinh Phik nói: Được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín nên trong mọi hoạt động từ sinh hoạt hàng ngày đến sản xuất, bản thân và gia đình tôi luôn gương mẫu. Mình còn phải nắm chắc, hiểu rõ các chủ trương, chính sách để tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng làm theo. Nhờ sự tích cực của già Đinh Phik trong mọi hoạt động, mà liên tục nhiều năm liền trên địa bàn làng 6, xã Vĩnh Thuận không xảy ra các vụ say rượu đánh nhau, không có hiện tượng tảo hôn, mê tín dị đoan, hủ tục ngày càng bị đẩy lùi.

Hay như già Lê Văn Ru, ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), nhiều năm nay được xem là “thủ lĩnh” trong việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, già còn được xem là gương điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương.

Kể về những việc mình làm, già Ru cho hay: Để thay đổi tập tục và thói quen không tốt của bà con, tôi đi đầu trong việc làm vệ sinh môi trường như phát dọn xung quanh nhà, xây tường rào cổng ngõ sạch sẽ thoáng mát, ăn chín uống sôi, chuồng bò chuồng heo xây cách nhà vài chục mét, sau đó thì đi vận động người dân trong làng cùng làm theo. Nhiều lúc phải nhẹ nhàng để bà con hiểu mà thực hiện và tin yêu mình.

Già Ru còn là người tiên phong đưa cây keo về với huyện miền núi Vân Canh. Vào những năm 2000, huyện đầu tư cho các xã trồng cây keo nhưng chẳng ai dám trồng, vì sợ bỏ rẫy cũ sẽ không có ăn. Già Ru đã mạnh dạn trồng, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao. Thấy cây keo hợp với thổ nhưỡng, già tuyên truyền bà con nên chuyển đổi cây trồng, từ đó cả làng quyết định chuyển sang canh tác cây keo trên những sườn đồi bạc màu. Già lại bắt tay chỉ việc cho từng người, bày kinh nghiệm làm ăn từng ly từng tí.

Thực hiện tốt chính sách đối với Người có uy tín

Già làng Lê Văn Ru được xem là “thủ lĩnh” trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống và điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện Vân Canh
Già làng Lê Văn Ru là người đi đầu trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống và điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện Vân Canh

Để bảo đảm thực hiện tốt chính sách đối với Người có uy tín, trong các năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách; hằng năm tổ chức rà soát, bầu bổ sung thay thế Người có uy tín đúng quy trình, tiêu chuẩn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với đó, các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, công khai, giải quyết kịp thời về vật chất và tinh thần cho Người có uy tín.

Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 40 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.464 lượt Người có uy tín tham dự; tổ chức 12 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 244 người và 7 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành trong cả nước cho 166 người.

Bên cạnh đó, tỉnh đã cung cấp các loại báo chí, tổ chức gặp mặt tôn vinh; thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ lúc ốm đau, khi gặp khó khăn, hoạn nạn… cho các già làng, Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng. Tổng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh gần 6 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh thực hiện trên 3,7 tỷ đồng, cấp huyện thực hiện trên 2,2 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, đánh giá: Nhờ thực hiện tốt các chính sách, đã phát huy vai trò tích cực của Người có uy tín tại các làng đồng bào DTTS. Các già làng, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi được bầu chọn là Người có uy tín đã tích cực tham gia vận động Nhân dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như: Khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tảo hôn, tự tử, cầm đồ thuốc độc, mê tín dị đoan… góp phần bảo vệ ANTT tại vùng đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín với chuyển đổi số

Người có uy tín với chuyển đổi số

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, hỗ trợ để Người có uy tín tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.