Theo ghi nhận của phóng viên, dọc sông Hà Thanh qua qua các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Thuận… (huyện Vân Canh) đều diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân địa phương: Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, một số đoạn sông đã lấn sâu vào sát vách nhà người dân đang sinh sống. Hàng chục hộ gia đình lo mất nhà cửa trong nay mai, nếu các cấp chính quyền không có các biện pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng sạt lở nói trên.
Ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Kinh Tế, xã Canh Thuận) có nhà ở sát bờ sông, cho hay: Trước đây, tường nhà bếp của gia đình ông cách bờ sông hơn chục mét, nay bị nước lũ làm xói lở, cuốn đi toàn bộ phần đất khu vực nhà bếp. Những hộ sống gần sông lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết khi nào nhà cửa sẽ bị cuốn xuống sông. Gia đình muốn di dời đến nơi khác ở cho yên tâm, nhưng chuyển chỗ ở thì không đủ kinh phí. Người dân mong muốn chính quyền có phương án sớm khắc phục để bà con yên tâm sinh sống.
Không chỉ ông Tâm, một số hộ dân khác ở đây cũng lo lắng khi mùa mưa đến, nguy cơ bờ sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng, sẽ đe doạ trực tiếp đến đất sản xuất cũng như nhà cửa của họ. “Năm nay dù mưa ít, lũ nhỏ nhưng bờ sông Hà Thanh, đoạn từ thôn Kinh Tế đến làng Hòn Mẻ cũng vẫn bị xói lở nghiêm trọng. Nhiều vị trí bị xói sâu tạo hàm ếch, khiến nhà ở và đất sản xuất có nguy cơ bị cuốn trôi”, một người dân ở thôn Kinh Tế cho hay.
Ông Trần Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận cho biết: Do bờ kè sông đã làm từ rất lâu nên đã hư hỏng, xuống cấp, dẫn đến tình trạng xói lở bờ sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số hộ dân trên địa bàn xã đã diễn ra nhiều năm nay. Chỉ trong năm 2023, sông đã ăn sâu vào đất liền hơn 2m, làm ảnh hưởng đến một số hộ dân ở khu vực sát bên bờ sông.
"Trước mắt, chính quyền đã gia cố tạm thời bằng các bao cát để giảm bớt sự sạt lở bờ sông. Đồng thời, xã đã báo cáo với UBND huyện Vân Canh để tìm phương án khắc phục tình trạng sạt lở nói trên”, ông Toàn chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bờ sông Hà Thanh qua các thôn Tăng Lợi, An Long 1, Bình Long 1, xã Canh Vinh cũng trong tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Theo ghi nhận của phóng viên tại thôn An Long 1 cho thấy, bờ sông đã ăn sâu vào gần sát nhà dân, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực này. Còn tại đoạn qua thôn Tăng Lợi, sông đã lấn sâu vào phần đất sản xuất của người dân, tạo ra những hàm ếch cao đến hơn 2m.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm nay, mỗi năm sông càng lấn sâu vào khu vực người dân sinh sống. Khi có mưa lớn, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng. “Mỗi khi trời mưa là chúng tôi nơm nớp lo sợ, bởi không biết nhà bị cuốn xuống sông lúc nào. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp có cách khắc phục để giúp bà con yên tâm sinh sống, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Nguyễn Thị Bảy, thôn An Long lo lắng.
Tương tự, sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển cũng thường xuyên xảy ra sạt lở, uy hiếp các công trình chăn nuôi, đất sản xuất và nhà cửa của người dân. Bờ sông Hà Thanh qua đoạn này bị xâm thực mạnh, tạo ra những vách dựng đứng cao gần 3m, ảnh hưởng đến khu chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân.
Trước tình trạng này, tháng 9/2023, UBND huyện Vân Canh đã quyết định chỉnh trị dòng chảy của sông Hà Thanh đoạn qua khu vực này nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông làm mất đất, tài sản của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về vấn đề này, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Tình trạng sạt lở ở sông Hà Thanh đoạn qua các xã Canh Vinh, Cạnh Thuận, Canh Hiển ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân là rất nguy cấp. UBND huyện đã nhiều lần báo cáo với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, tuy nhiên, kinh phí để khắc phục sạt lở rất lớn.
“Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra, và báo cáo với UBND tỉnh để tìm phương án khắc phục. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT khảo sát để lập phương án. Khi cấp trên cho chủ trương khắc phục, thì địa phương sẽ tiến hành thực hiện. Đối với các điểm sạt lở gần khu dân cư, UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục tạm thời. Như đối với sạt lở ở đoạn xã Canh Vinh, Canh Hiển huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xã tiến hành khắc phục tạm thời bằng các bao cát và rọ đá”, ông Cường thông tin.
Trao đổi về tình trạng này, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định về phê duyệt kinh phí khảo sát, lập đề án đánh giá tổng thể về sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh, giao cho Sở làm chủ đầu tư. Đề án này nhằm khảo sát toàn diện nguyên nhân sạt lở bờ sông, suối trên lưu vực sông Hà Thanh. Qua đó, nhằm đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở lòng dẫn, ổn định bờ sông một cách bền vững.
Cũng theo ông Chương, Đề án cũng đề xuất các giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp cấp bách là tổ chức di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân. Cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hà Thanh...