Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bình Định: Tranh thủ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào DTTS

T.Nhân-H.Trường (thực hiện) - 09:50, 21/12/2023

Tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều dự án, nội dung thành phần nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào DTTS, trong đó cũng tập trung cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong vùng đồng bào DTTS, góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng DTTS. Để rõ hơn về kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi trao đổi với ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định.

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định trao đổi với phóng viên về việc thực hiện Chương trình MTQG 1719
Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển về việc thực hiện Chương trình MTQG 1719

 Xin ông cho biết, Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn, nhất là đối với người đồng bào DTTS ở vùng khó khăn?

Ông Bùi Tiến Dũng: Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được Nhân dân ủng hộ. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có Bình Định. Cùng với những chính sách của Trung ương, của tỉnh, Chương trình MTQG 1719 giúp bà con ở các huyện miền núi và trung du có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nguồn lực từ Chương trình đã hỗ trợ cho địa phương về việc phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng trường học, các công trình nước sạch; bố trí nhà ở và đất sản xuất, xoá nhà tạm…cho người dân ở khu vực các huyện miền núi của tỉnh.

Đối với tỉnh Bình Định, kinh phí được giao từ nguồn ngân sách Trrung ương và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình năm 2023 là hơn 373,9. Tuy nhiên, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, đã cấp đến năm 2023 là hơn 34,1 tỉ đồng kinh phí sự nghiệp, Trung ương đang tạm dừng vì không thực hiện được. Do đó, kinh phí tổng trong năm 2023 là hơn 339,7 tỉ đồng. 

Trong thời gian qua, Bình Định đã nỗ lực giải ngân để triển khai các dự án, tiểu dự án, đến nay tỉ lệ giải ngân hơn 59,4%. Trong đó, riêng trong năm 2023 đã giải ngân được hơn 153 tỉ/260,8 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 58,69%; trong đó vốn đầu tư đạt 62,86% và vốn sự nghiệp đạt 58,95%.

Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, nhiều địa phương miền núi ở Bình Định đã khởi sắc
Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, nhiều địa phương miền núi ở Bình Định đã khởi sắc

Đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, dành cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Chương trình này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; làm nền móng cho việc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân ở vùng DTTS và miền núi.

Việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đến nay đã đạt những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Tiến Dũng: Thực hiện Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, địa phương đã triển khai 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; đã hỗ trợ nhà ở đối với 68 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 250 hộ và hỗ trợ chuyển đổi nghề 679 người. Dự kiến đến cuối năm 2023, các huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà ở đối với 52 hộ.

Tỉnh đã triển khai thực hiện 28 công trình giao thông, 3 công trình trường học, 2 công trình kênh mương nội đồng, 2 công trình văn hoá, 1 công trình chợ, một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác và duy tu bảo dưỡng các công trình trên địa bàn các xã thụ hưởng Chương trình theo quy định.

Bình Định đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong ảnh các nghệ nhân đang dạy múa cồng chiêng, trống k’toang cho người dân (Dự án 6 Chương trình MTQG 1719)
Bình Định đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong ảnh các nghệ nhân đang dạy múa cồng chiêng, trống k’toang cho người dân (Dự án 6 Chương trình MTQG 1719)

Đối với Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, đến nay địa phương đã hoàn thành 4 khu tái định cư tập trung gồm, Dự án khu dân cư làng T6 (huyện Hoài Ân); Dự án định anh, định cư tập trung làng K2 (Vĩnh Thạnh); Khu tái định cư vùng thiên tai tại huyện An Lão; Bố trí tái định cư thôn 2 xã An Toàn (huyện An Lão).

Đối với Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; trong thời gian qua địa phương đã thực hiện tốt nhiều hạng mục. Địa phương đã triển khai thực hiện 1 công trình di tích cấp quốc gia, 2 điểm đến du lịch và 21 danh mục công trình văn hoá trên địa bàn các huyện thụ hưởng.

 Ngoài ra, Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định cũng phối hợp với các huyện triển khai các lớp tập huấn, truyền nghề cho người dân ở vùng đồng bào DTTS về dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn trống K’toang…

Ngoài ra, nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, cũng hỗ trợ trực tiếp đến các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS ở huyện miền núi và trung du của tỉnh. Theo đó, nguồn vốn được phân bổ để hỗ trợ về giống vật nuôi như heo, bò, gà, giống cây trồng để các hộ dân phát triển về sính kế. Địa phương chú trọng triển khai nội dung của 

Chương trình MTQG 1719 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN. Ngoài ra, nguồn vốn từ Chương trình cũng hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong các vấn đề về y tế, giáo dục, văn hoá, chăm sóc sức khoẻ cho người dân và vấn đề phổ biến pháp luật cho người dân ở vùng miền núi và trung du…

 Được biết, tỉnh Bình Định làm rất tốt việc tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT. Xin ông chia sẻ về cách làm và hiệu quả mà Bình Định đã làm được trong thời gian qua?

Ông Bùi Tiến Dũng: Trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan để tuyên truyền chính sách, PBGDPL đến với người dân ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng trong năm nay, nguồn vốn để thực hiện việc tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và MN là hơn 2,7 tỉ đồng.

Theo đó, Ban đã triển khai xây dựng hàng chục pano ở 12 làng và các trường học về TH&HNCHT; thành lập 3 Câu lạc bộ “Thanh niên nói không với TH&HNCHT” tại trường học (Trường PTDT Bán trú Canh Liên; PTDT Bán trú TH&THCS Vĩnh Kim và PTDT Bán trú An Lão). Ban phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hàng chục hội thi; diễn đàn nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng TH&HNCHT.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức các lớp về phổ biến pháp luật, tuyên truyền chống TH&HNCHT đến người dân các huyện miền núi
Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức các lớp về phổ biến pháp luật, tuyên truyền chống TH&HNCHT đến người dân các huyện miền núi

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các Phòng Dân tộc ở các huyện trực tiếp xuống các thôn, làng để tuyên truyền vận động nâng cao nhận nhận thức của người dân; đồng thời phối hợp với chính quyên địa phương thực hiện Bản cam kết “Nói không với TH&HNCHT” trong gia đình, với hơn 1.250 người dân tham dự. Đây là cơ sở cho việc chấp hành, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như chung tay phòng chống nạn tảo hôn tại địa phương.

Ngoài ra, Ban cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tuyên truyền Đề án, pháp luật Hôn nhân và gia đình với hơn 1.290 người tham dự; tổ chức Lễ ra mắt 2 Câu lạc bộ: Hôn nhân và Gia đình; Hôn nhân, Gia Đình tiến bộ; 2 Hội thi: “Phụ nữ với kiến thức Pháp luật về Hôn nhân và Gia đình”.

Ban cũng phối hợp tổ chức các cuộc thi về tìm hiểu pháp luật, như Hội thi "Rung chuông vàng", với chủ đề học sinh với kiến thức pháp luật, thu hút hơn 380 người tham gia; huyện An Lão tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa thực hiện tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyệt thống trên địa bàn các xã An Trung, An Dũng, An Hưng…

 Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, toạ đàm giao lưu văn hoá, hội thi tìm hiểu pháp luật, về hôn nhân…nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng TH&HNCHT ở vùng đồng bào DTTS và MN trong tỉnh.

 Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.