Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bình Phước: Sẵn sàng đón nhà đầu tư để “cất cánh” cùng đất nước

Lê Vũ – Lê Thuận - 10:54, 21/01/2021

Bình Phước vốn là tỉnh thuần nông, những năm đầu tái lập, ngành công nghiệp của địa phương hầu như chỉ đang ở vạch xuất phát. Tuy nhiên, sau 23 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bình Phước đã đạt những thành tựu vượt bậc, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoài nước.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm

Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai - các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, là cửa ngõ của vùng Tây nguyên trong kết nối với TP. Hồ Chí Minh, kết nối với nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Với vị trí như vậy, Bình Phước có được ảnh hưởng tích cực bởi làn sóng đầu tư của các tỉnh lân cận. 

Hơn nữa, Bình Phước vẫn còn quỹ đất dồi dào, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như điều, cao su, lâm sản khác là nguyên liệu sản xuất khá ổn định. Tài nguyên nước ổn định với các cụm hồ thủy điện, thủy lợi lớn và nhỏ, lại có 4 nhà máy thủy điện trên dòng sông Bé và sông Đồng Nai… Với những lợi thế đó, tiềm năng phát triển công nghiệp của tỉnh rất lớn, bằng chứng là ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay do đại dịch Covid-19 gây ra.

Mặc dù, còn gặp không ít khó khăn như, không gần cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông chưa có đường cao tốc kết nối vùng; lao động tay nghề cao còn thiếu, nhất là nhóm lao động liên quan đến các ngành kỹ thuật, marketing, kế toán, ngoại ngữ, xuất nhập khẩu... Nhưng có thể nói, Bình Phước là nơi “đất lành chim đậu” nên khá dễ thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác đến, nhất là người trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn bổ sung cho lực lượng lao động địa phương vẫn còn thiếu.

Bên cạnh đó, hiện trạng hạ tầng giao thông, điện, nước, ngân hàng, bưu chính viễn thông đáp ứng tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc quy hoạch phát triển công nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế khá bài bản, nên mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn sẵn sàng. 

Đặc biệt, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhất là nộp hồ sơ trực tuyến và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tính đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 295 dự án thứ cấp, trong đó 201 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.416,75 tỷ đồng và 2.162 triệu USD; diện tích thuê đất 991,59 ha.

Hiện Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 14 KCN, trong đó có 1 KCN mới được thành lập trong khu kinh tế là KCN Ledana có diện tích 424,54 ha, 13 KCN ngoài khu kinh tế,với tổng diện tích 4.679 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Hiện có 2 KCN đã lấp đầy 100% là Nam Đồng Phú và Chơn Thành I; 4 KCN lấp đầy trên 90% là Chơn Thành II, Minh Hưng - Hàn Quốc, Minh Hưng III và Đồng Xoài I. Điều này cho thấy, mặc dù tốc độ thu hút đầu tư khá nhanh nhưng dư địa để phát triển công nghiệp còn lớn, Bình Phước đã có quy hoạch và chuẩn bị tốt mặt bằng, sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư.

Chia sẻ về hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước thời gian qua, và kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Bình Phước, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động đã 3 năm, hiện tại nâng mức độ xử lý hồ sơ với cấp độ 3 và 4, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, thời gian qua Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện xúc tiến mời gọi đầu tư theo phương châm “xúc tiến đầu tư tại chỗ”; tăng cường công tác “xúc tiến đầu tư trực tuyến”, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến tình hình xúc tiến mời gọi đầu tư. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, áp dụng các dịch vụ công trực tuyến góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chế biến gà thịt xuất khẩu công nghệ cao theo dây chuyền khép kín tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (đến từ Thái Lan) thuộc Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm
Chế biến gà thịt xuất khẩu công nghệ cao theo dây chuyền khép kín tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (đến từ Thái Lan) thuộc Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm

“Về kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư trong thời gian tới, tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ban, ngành với nhà đầu tư, đặc biệt là diễn đàn doanh nghiệp hằng năm để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành...”, ông Chiến chia sẻ.

Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước thu hút đầu tư trong nước được 800 dự án với số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần về số dự án và hơn 3 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 146 dự án, với số vốn đăng ký 1 tỷ 440 triệu USD (tăng hơn 2 lần về số dự án và gần 3 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước). Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020, là 4.850 doanh nghiệp với vốn đăng ký 44.440 tỷ đồng, tăng 1,65 lần về số doanh nghiệp và hơn 3 lần về số vốn. Thành lập mới 246 hợp tác xã, tăng gần 2,8 lần so với nhiệm kỳ trước.