Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Thuận: Những chính sách đi vào cuộc sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thành Nhân - 05:41, 06/12/2023

Thời gian qua, Bình Thuận rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhiều chính sách được tỉnh triển khai, hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng lên. Đặc biệt là chính sách giao khoán, bảo vệ rừng; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và chính sách cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất giúp đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận thoát nghèo
Chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất giúp đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận thoát nghèo

Tuy đã có nhiều sự đổi thay nhưng so với mặt bằng chung, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo dễ xảy ra; thu nhập bình quân đầu người thấp và không đồng đều. Vì thế, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc sát với thực tế, phục vụ nhu cầu, lợi ích của đồng bào và thực tiễn cơ sở, được người dân đồng tình.

Một trong những chính sách được Bình Thuận triển khai hiệu quả là chính sách giao khoán rừng. Được biết, từ năm 2016 đến nay, Trung ương hỗ trợ thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS theo Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2020, thì đối với các hộ gia đình tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả 400.000 đồng/ha/năm, với tổng nguồn vốn 66,1 tỷ đồng/72.651 ha/2.408 hộ.

Được biết, UBND tỉnh đã phân khai kinh phí chi trả tiền công nhận khoán bảo vệ rừng cho 1.304 hộ/39.120 ha rừng với tổng số tiền 11 tỷ 736 triệu đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã được UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh tại Quyết định số 2637, ngày 15/12/2022. Hiện tại, ngành chức năng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh ra Quyết định phân khai kinh phí đợt II năm 2023 cho hộ nhận khoán theo Nghị quyết 18, ngày 18/12/2022 của HĐND tỉnh.

Đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận có thêm thu nhập từ giao khoán, bảo vệ rừng
Đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận có thêm thu nhập từ giao khoán, bảo vệ rừng

Riêng đối với các trường hợp đang thực hiện hợp khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt có hạn mức khoán trên 30 ha/hộ thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian khoán bảo vệ rừng theo hồ được duyệt và được thực hiện theo định mức kinh phí của chính sách này. Trong đó, định mức kinh phí tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 là 200.000đ/ha/năm; từ năm 2023 trở đi là 300.000đ/ha/năm.

Ông Mang Chí, một hộ dân nhận khoán hơn 40 ha rừng chia sẻ: Nhờ được giao khoán bảo vệ rừng, mỗi năm gia đình mình có thêm được khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Rừng là Nhà nước giao bảo vệ và hỗ trợ tiền nên mình luôn nhắc nhở người trong gia đình và bà con không được phá, đốt rừng làm nương rẫy. Đến hết quý là Nhà nước phát tiền công giúp người nhận khoán có tiền để mua sắm Tết.

Bên cạnh chính sách giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh Bình Thuận cũng đang triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Chính sách này, góp phần hỗ trợ cho đồng bào DTTS từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Diện tích đất sản xuất được cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU là 5.048,55 ha/4.415 hộ, hầu hết diện tích đất đã cấp đều được người dân đưa vào sản xuất.

Ông K’ Văn Vẳn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Trước đây, gia đình tôi không có đất sản xuất nên phải đi làm thuê khắp nơi, thu nhập bấp bênh. Từ khi Được Nhà nước cấp hơn 1ha đất sản xuất và được hỗ trợ giống bắp lai, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên năng suất đạt cao. Mỗi vụ, tôi cũng có thu nhập vài chục triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đã dần ổn định, không còn chạy ăn từng bữa.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I 2021-2025, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản, đẩy nhanh việc giao kế hoạch vốn, tích cực giải ngân thực hiện Chương trình; tăng cường việc đôn đốc thực hiện Chương trình tại các địa phương. Đối với nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương được phân công phụ trách các dự án, tiểu dự án tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục để phân khai các nguồn vốn được phân bổ.

Một trong những chính sách sát với thực tiễn vùng đồng bào DTTS và miền núi, được tỉnh Bình Thuận triển khai đó là hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nhằm cung cấp kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho vùng đồng bào DTTS; đồng thời, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng vùng.

Cụ thể hàng năm, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh triển khai đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai, lúa nước của các hộ đồng bào DTTS: đến thời điểm hiện nay, 1.170 hộ/2.211,6 ha ký hợp đồng, (trong đó: bắp lai: 1.039 hộ/2.133,6 ha; lúa nước: 131 hộ/77,97 ha); Giá trị đầu tư trên 15 tỷ đồng; đồng thời, Trung tâm Dịch vụ miền núi tổ chức cung ứng đầy đủ giống, vật tư, hàng hóa xuống các địa bàn phục vụ kịp thời thời vụ sản xuất của đồng bào; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước; tổ chức thu mua sản phẩm do các hộ đồng bào sản xuất ra. Bình quân, lượng bắp lai thương phẩm thu mua hàng năm 7.500 tấn, trị giá gần 40 tỷ đồng. Sau khi trả nợ đầu tư, các hộ dân còn thu nhập khoảng 25 tỷ đồng.

Cùng với việc cấp đất sản xuất, tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, góp phần làm xanh những cánh đồng vùng đồng đồng bào DTTS và miền núi
Cùng với việc cấp đất sản xuất, tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, góp phần làm xanh những cánh đồng vùng đồng đồng bào DTTS và miền núi

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết: Từ những chính sách thiết thực, được triển khai hiệu quả trong thời gian qua đã làm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh bừng lên sức sống mới. Các hộ đồng bào DTTS có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, đời sống được cải thiện… Nếu như 5 năm trước, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS toàn tỉnh là 4.250 hộ, chiếm gần 20% tổng số hộ, thì đến nay chỉ còn 1.705 hộ, chiếm 6,96% tổng số hộ.

Cũng theo ông Tân, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai. Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, thoát khỏi nghèo khó vươn lên làm giàu.

“Đối với việc triển khai Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan và UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân nguồn vốn được giao; theo dõi chặt chẽ từng địa bàn triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sai sót trong quá trình thực hiện”, ông Tân chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.