Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Thuận: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Đăng Diện - 06:58, 25/11/2023

Thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTTQ 1719, tỉnh Bình Thuận được giao 7.229 triệu đồng nguồn vốn năm 2022 - 2023 để triển khai Dự án. Từ năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao vốn cho Ban Dân tộc và các địa phương triển khai thực hiện.

Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận thu mua bắp lai cho các hộ đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận thu mua bắp lai cho các hộ đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.

Sớm ban hành định mức hỗ trợ

Với Tiểu dự án 2 Dự án 3 thuộc Chương trình MTTQ 1719, Ban Dân tộc được giao: 2.168 triệu đồng, UBND các huyện được giao: 5.061 triệu đồng. Đây là nguồn vốn khá lớn nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2022, toàn tỉnh chỉ có huyện Hàm Thuận Nam giải ngân được 157 triệu đồng thông qua dự án hỗ trợ bò nuôi cho các hộ nghèo. Còn lại các địa phương khác chưa triển khai thực hiện được.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban định kỳ tháng 11 năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình MTTQ do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, lãnh đạo các địa phương đều cho biết, khó khăn nhất trong thực hiện chuỗi giá trị hiện nay là định mức hỗ trợ cho hộ dân khi tham gia chương trình chưa có nên các địa phương không có căn cứ để triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng nghị quyết), thực hiện Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của các Chương trình MTTQ sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.

Ông Bố Thanh Tuyền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Bình cho biết: “Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết, các địa phương mới có cơ sở triển khai. Tuy nhiên, kỳ họp cuối năm diễn ra vào tháng 12 thì địa phương không còn kịp thời gian để triển khai vì đã hết năm. Trong khi đó, để triển khai các dự án còn phải làm các thủ tục phê duyệt kế hoạch liên kết, đấu thầu theo quy định”.

Hộ gia đình anh Hoàng Văn Trọng ở xã Mỹ Thạnh được hỗ trợ bò giống từ Tiểu dự án 2 Dự án 3 thuộc Chương trình MTTQ 1719
Hộ gia đình anh Hoàng Văn Trọng ở xã Mỹ Thạnh được hỗ trợ bò giống từ Tiểu dự án 2 Dự án 3 thuộc Chương trình MTTQ 1719 (Ảnh QN)

Tiếp sức tạo chuỗi liên kết đối với cây trồng

Sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Thuận hiện tập trung chủ yếu vào một số loại cây trồng chính như lúa nước, bắp lai, cao su, điều, chăn nuôi bò, dê.

Đối với nguồn vốn phân khai cho các huyện thực hiện chuỗi liên kết, các địa phương chủ yếu thực hiện hỗ trợ bò cái sinh sản cho các hộ đồng bào. Sản xuất bắp lai đang là cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thông qua thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh “đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030”. Hàng năm, có trên 1.500 hộ nhận đầu tư để sản xuất trên 2.000 ha bắp lai, 200 ha lúa nước; sản lượng bắp thương phẩm sản xuất ra trên 10.000 tấn. Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc) thực hiện ký kết hợp đồng, tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Hình thức đầu tư ứng trước, thu mua sản phẩm của Trung tâm Dịch vụ miền núi trong thời gian qua thực chất là đã triển khai chuỗi liên kết giá trị với người dân. Do đó, đối với nguồn vốn được UBND tỉnh giao thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Ban Dân tộc sẽ giao Trung tâm Dịch vụ miền núi triển khai trên 2 loại cây trồng là bắp lai và lúa nước”.

Ông Xim Miên, Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc phấn khởi nói: “Trong những năm qua, thông qua chính sách đầu tư ứng trước của Nhà nước đã giúp các hộ đồng bào có vật tư để sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ nghèo vẫn còn khó khăn nên với việc hỗ trợ của Nhà nước thông qua thực hiện chuỗi giá trị của chương trình MTQG sẽ giúp các hộ đồng bào tăng thu nhập”.

Cánh đồng lúa của đồng bào xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong
Cánh đồng lúa của đồng bào xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong

Còn ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hàng năm, Trung tâm thực hiện liên kết với hộ đồng bào sản xuất bắp lai, lúa nước. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, các hộ đồng bào có thu nhập trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn của tỉnh giao cho Trung tâm còn hạn chế nên địa bàn thực hiện chưa rộng. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, Trung tâm sẽ mở rộng địa bàn thực hiện, ưu tiên cho các đia bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo. Để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đề nghị các ngành chức năng sớm giao vốn và phê duyệt kế hoạch liên kết ngay từ đầu năm”.

Theo quy định tại Nghị định 38/2023/NĐ- CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ “Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết thuộc phạm vi cấp tỉnh”, để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện, theo ông Nguyễn Minh Tân: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ủy quyền cho Ban Dân tộc phê duyệt kế hoạch liên kết, nguồn vốn giao cho Ban Dân tộc để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, hy vọng năm 2024, việc triển khai, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ đạt kết quả, góp phần giúp đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.