Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bình Thuận: Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản

Lê Vi - 06:22, 30/11/2023

Triển khai Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh đưa di sản văn hóa vào trường học để giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Các điểm di sản, trung tâm trưng bày văn hóa trên địa bàn tỉnh đều trở thành địa điểm học tập để học sinh tất cả lứa tuổi có thể trực tiếp tham quan, trải nghiệm.

 

Học sinh Trường Tiểu học Xuân An trong tiết học ngoại khóa tại di tích (Ảnh NL)
Học sinh Trường Tiểu học Xuân An trong tiết học ngoại khóa tại di tích (Ảnh NL)

Tiết học ngoại khóa đặc biệt

Vừa qua, có dịp theo chân thầy và trò Trường Tiểu học Xuân An đến di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) trong một giờ học ngoại khóa ngay thời điểm Lễ hội Katê diễn ra, chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng lan truyền từ các em. Tiết học khá đông học sinh giữa một không gian rộng nhưng lại trật tự, ai cũng chăm chú như sợ bỏ sót bất cứ dữ liệu nào đó. Những tưởng thời đại công nghệ 4.0, học sinh tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ số sẽ ít hứng thú với lịch sử, song nhiều em đã chủ động tìm hiểu, đặt các câu hỏi, nêu lên những thắc mắc với người phụ trách.

Quan sát sự hứng thú trong suốt buổi học của các em, cô Hàn Thị Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) chia sẻ: Giáo dục trải nghiệm di sản là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách. Nhà trường luôn nỗ lực, lên kế hoạch từ đầu năm học để vận dụng linh hoạt sự đổi mới trong dạy học. Những bài học mà các em thu nhận được từ trải nghiệm thực tế đọng lại lâu bền, sâu sắc hơn. Bằng việc gợi mở vấn đề, đặt câu hỏi, tạo cho các em cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm, từ đó góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc ngay từ bậc tiểu học. Còn với người thầy cũng sẽ thay đổi phương pháp dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Học sinh tham quan tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ
Học sinh tham quan tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhiều học sinh bày tỏ sự hào hứng, nhận xét: Buổi hoạt động ngoại khóa không chỉ là chuyến tham quan, được đi chơi mà còn là một giờ học tập bổ ích, thiết thực. Tại đây, các thông tin được giới thiệu ngắn gọn, đi kèm hình ảnh thực tế giúp chúng em không chỉ ghi nhớ kiến thức lịch sử mà cảm giác lại thoải mái, thư giãn...

Tăng cường sự phối hợp

Tại Bình Thuận, từ năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 - 2025 . Trong đó, năm 2023, những “Giờ học lịch sử” được các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đẩy mạnh. Như tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đã đón 67 đoàn với hơn 4.000 học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm hiểu về Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học. Còn tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, đón 13 đoàn với hơn 1.300 học sinh. Đặc biệt, tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), đã đón gần 8.000 học sinh và giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh tham quan.

Biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ học sinh dịp Hè
Biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ học sinh dịp Hè
Nghi lễ cúng Tết Katê tại Di tích tháp Pô Sah Inư (Ảnh NL)
Nghi lễ cúng Tết Katê tại Di tích tháp Pô Sah Inư (Ảnh NL)

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh cũng đã linh hoạt trong việc tổ chức trưng bày, triển lãm tranh lưu động về “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” tại một số trường học; trưng bày các chuyên đề ảnh giới thiệu di tích, lễ hội, thắng cảnh... phục vụ học sinh đến tham quan, nghiên cứu tại di tích tháp Pô Sah Inư; mời nghệ nhân trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm vào dịp hè, lễ, tết phục vụ học sinh tham quan, nghiên cứu.

Tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã mời nghệ nhân trình diễn, hướng dẫn cho học sinh tham gia trải nghiệm thực hành về nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm và bánh gừng truyền thống của người Chăm hay tổ chức các trò chơi dân gian Chăm như bịt mắt đập niêu, thảy que vào bình gốm, đội nước tiếp sức bằng bình gốm...

Bên cạnh đó, một số trường học trong tỉnh cũng đã linh hoạt khai thác nguồn di tích, lễ hội văn hóa, làng nghề tại địa phương để đưa học sinh đến tìm hiểu học tập. Tổ chức hoạt động giáo dục với chủ đề “Di sản văn hóa ở quanh ta”, cuộc thi vẽ tranh, đố vui về di tích lịch sử… Đây là cách “vừa chơi, vừa học” giúp các em thêm yêu di sản quê hương.

Triển lãm tranh lưu động về “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương”
Triển lãm tranh lưu động về “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương”
Học sinh tham quan và tìm hiểu văn hóa tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (ảnh Ngọc Lân)
Học sinh tham quan và tìm hiểu văn hóa tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (ảnh Ngọc Lân)

Bà Lư Thái Tuyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đánh giá: Di sản văn hóa là một bộ phận rất quan trọng của nền văn hóa dân tộc, là chứng tích cho sự phát triển của cộng đồng. Nhân dân lao động vừa là chủ nhân, vừa là lực lượng nòng cốt để xây dựng nên kho tàng di sản văn hóa ấy. Vì thế, sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.