Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên: Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy

Hoàng Anh - CTV - 07:40, 03/12/2022

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng đến công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các địa bàn, tuyến trọng điểm, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Thơm tuyên truyền, vận động Nhân dân tố giác các loại tội phạm
Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Thơm tuyên truyền, vận động Nhân dân tố giác các loại tội phạm

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài 455,573 km, tiếp giáp với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào. Điện Biên lại rất gần khu vực Tam Giác Vàng, do đó tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến hết sức phức tạp. 

Là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm ma túy ở biên giới, BĐBP tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng nhiều phương án để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm ma túy, trong đó chú trọng đến công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân tại địa bàn khu vực biên giới.

Ðại tá Lê Bá Long - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Đã thành lệ, những ngày đầu tháng, các tuyên truyền viên là cán bộ tại các đồn biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Điện Biên lại tỏa về các thôn bản để tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào.

Sau buổi tuyên truyền tại cộng đồng, các cán bộ sẽ có thêm những chuyên đề đặc biệt cho một đối tượng đặc thù trên địa bàn theo hình thức nhóm nhỏ hoặc sinh hoạt tại các Câu lạc bộ phụ nữ, Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ đồng cảm… Với cách làm này, suốt 10 năm qua, các đơn vị BĐBP toàn lực lượng đã góp phần làm đổi thay đáng kể nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên các tuyến biên giới.

Luật PBGDPL năm 2012 quy định rõ, có 6 nhóm đối tượng đặc thù gồm: Người dân ở vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.

Đây là những đối tượng có sự nhận thức chung và nhận thức pháp luật hạn hẹp, đa phần đều mặc cảm, tự ti, ít chịu tiếp xúc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên hiệu quả PBGDPL chưa cao.

Bên cạnh đó, những đối tượng này ở phân tán tại các bản làng xa xôi, hẻo lánh, số khác thường xuyên di biến động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu làm lao động tự do, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Để tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng này, các đơn vị BĐBP đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát số liệu, khảo sát thông tin đối tượng để triển khai thực hiện. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những cán bộ tuyên truyền, PBGDPL quân hàm xanh đã đến với các đối tượng đặc thù bằng tình cảm, trách nhiệm và sự sẻ chia chân thành. Các anh đã tạo nên nhiều thay đổi trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng.

Theo đó, 10 năm qua, các đơn vị BĐBP đã tổ chức hơn 1.200 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho trên 100.000 lượt người là đối tượng đặc thù ở khu vực biên giới; tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành 23.000 tài liệu, gần 10.200 áp phích phục vụ tuyên truyền; phát hàng chục nghìn tin, bài phát thanh trên hệ thống loa, đài địa phương, thôn, bản.

Nội dung PBGDPL tập trung mạnh vào Luật Biên giới quốc gia (2003); phòng chống ma túy; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đất đai; Luật An ninh mạng; các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự; các lĩnh vực pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động; pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường... Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho từng đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tây Trang kiểm tra phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tây Trang kiểm tra phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu.

Giữ bình yên cho bản làng

Để tăng cường hiệu quả đối với công tác tuyên truyền PBGDPL, các đơn vị BĐBP của tỉnh Điện Biên đã thường xuyên phối hợp với các ngành Tư pháp, Công an để tuyên truyền, PBGDPL tại các xã biên giới trọng điểm về vi phạm pháp luật, bảo đảm đúng mục tiêu, chất lượng và hiệu quả...

Đáng chú ý, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được xây dựng và phát huy hiệu quả tại các địa phương như: Mô hình “Câu lạc bộ tình thương”, “Câu lạc bộ đồng cảm”… đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. 

Các mô hình “Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh thôn, bản”, “Tuổi trẻ với pháp luật” đã góp phần giáo dục, định hướng lối sống cho thế hệ trẻ ở khu vực biên giới, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Trên đường dẫn chúng tôi xuống thăm bà con xã Na Ư, huyện Điện Biên, Thượng tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tây Trang cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL và vận động quần chúng Nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, lực lượng trinh sát phòng chống ma túy và tội phạm thuộc các Đồn Biên phòng tỉnh Điện Biên đã nhận được nhiều nguồn tin có giá trị.

Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng đấu tranh bắt và khởi tố 19 vụ với 23 đối, tang vật thu được 2,46 kg Heroin, 252.680 viên ma túy tổng hợp các loại, thu giữ 5 khẩu súng các loại trong đó: 2 súng kíp, 3 súng nghi súng quân dụng, 22 viên đạn, bắt giữ 1 đối tượng có lệnh truy nã.

Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn và bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Điện Biên đã phát hiện nhiều đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vận chuyển về tỉnh Điện Biên để đi các địa phương khác tiêu thụ. Cụ thể như:

Khoảng 16h ngày 21/8/2022, tại khu vực mốc 105 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa phận bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm đã phối hợp với 2 Đồn Biên phòng Thanh Luông và Pa Thơm phát hiện, bắt quả tang Quàng Thị Nịa, sinh năm 1966, trú tại bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đang vận chuyển 2 bánh Heroin. 

Đấu tranh khai thác, bước đầu Quàng Thị Nịa khai, nhận vận chuyển thuê 2 bánh Heroin trên cho một người đàn ông chưa rõ lai lịch, với số tiền công 10 triệu đồng. Khi chưa kịp giao số ma túy trên thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ...

BĐBP tỉnh Điện Biên: Tăng cường PBGDPL về phòng chống ma túy 2
Đối tượng Lò Văn Nghiên, sinh năm 1979, trú tại bản Cang, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, ký vào biên bản phạm tội với số tang vật là 2 bánh heroin và 400 viên ma túy tổng hợp.

Có thể thấy, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó đẩy mạnh công tác truyên truyền PBGDPL, BĐBP tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Điều đó không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù, mà còn giúp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ cho người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật… ở khu vực biên giới. Đồng thời, góp phần nhanh chóng đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn có các đơn vị Bộ đội Biên phòng đứng chân.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Bộ đội Biên phòng tổng kết chuyên án mua bán người ST1223

Sóc Trăng: Bộ đội Biên phòng tổng kết chuyên án mua bán người ST1223

Sáng 28/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết Chuyên án ST1223. Đại tá Trịnh Kim Khâm - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị; Đại tá Bùi Văn Bình - Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh chủ trì hội nghị.