Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gia Lai: Nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Thu - 06:46, 16/11/2022

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm tăng cường sự hiểu biết, kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cán bộ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 40) cùng già làng, trưởng thôn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS tại xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang
Cán bộ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 40) cùng già làng, trưởng thôn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS tại xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang

Đa dạng hình thức phổ biến kiến thức pháp luật

Gia Lai là tỉnh miền núi, có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc trong đời sống hàng ngày thường áp dụng theo phong tục, tâp quán của dân tộc mình,  gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đơn cử như, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang) có 6 thôn, làng đồng bào DTTS chiếm 1/3 dân số. Trước đây, tình trạng tranh chấp đất đai, tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở trong xã thường xuyên xảy ra. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động và nêu gương. Đồng thời, xã tập trung ra soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên kết hợp với thành lập các câu lạc bộ “Phòng - chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Vì vậy, đến nay tình trạng tranh chấp đất đai, tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại địa phương giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đak Yă  cho hay: “Trong các buổi tuyên truyền chúng tôi tập trung tuyên truyền về tác hại, hệ lụy và chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. Năm 2021, trên địa bàn xã có 1 trường hợp tảo hôn. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Tương tự, huyện Chư Sê có gần 50% là người đồng bào DTTS, trước đây, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế, nhất là một số bộ phận thanh - thiếu niên thường xuyên đi xe máy càn quấy, lạng lách đánh võng gây mất trật tự. Để góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Thời gian qua, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đội cảnh sát Giao thông - trật tự Công an huyện Chư Sê đã tăng cường tuyên truyền PBGDPL.

Công an huyện Chư Sê phổ biến pháp luật về Giao thông đường bộ cho đồng bào DTTS
Công an huyện Chư Sê phổ biến pháp luật về Giao thông đường bộ cho đồng bào DTTS

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự Công an huyện Chư Sê cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch chỉ đạo các thôn, làng , tổ dân phố thành lập các tổ tự quản để tuyên truyền phổ biến pháp luật Giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung vào nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông, cách phòng tránh tai nạn giao thông, tác hại của rượu bia… chủ động phối hợp với đơn vị khác lồng ghép với các hoạt động, như: tổ chức văn nghệ, tặng quà, sách vở…

Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 73 lượt tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, các xã vùng sâu, địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, với hàng ngàn lượt người tham dự. Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, Người có uy tín, Trưởng thôn, già làng...
Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, Người có uy tín, Trưởng thôn, già làng...

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân

Xác định nhiệm vụ PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức có liên quan thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL). Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả tiếp cận, thụ hưởng chính sách TGPL, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người DTTS vùng khó khăn

Riêng 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý 316 vụ việc/316 người, trong đó, TGPL cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn là 172 vụ việc (tư vấn pháp luật 2 vụ việc, tham gia tố tụng 170 vụ việc).

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tổ chức 3.798 cuộc PBGDPL trực tiếp với 306.921 lượt người tham dự; tổ chức 22 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, với 18.837 lượt người tham dự; biên soạn và phát hành 161.399 tài liệu. Các địa phương đã tích cực triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL như: TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện Đak Pơ, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang.

Ngoài ra, các huyện đã tập trung xây dựng các mô hình, câu lạc bộ pháp luật phù hợp với đặc thù của địa phương gồm 36 câu lạc bộ pháp luật với 1.265 thành viên tham gia như: Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”; “Phụ nữ với pháp luật”; “Nói không với tảo hôn”; “ Tư vấn Luật đất đai”; “An toàn giao thông”; “Gia đình không tham gia các tà đạo lạ”...

Huyện Chư Păh tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, Phòng - chống nạn tảo hôn hôn nhân cận huyết thống trong trường học có đông học sinh DTTS
Huyện Chư Păh tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, Phòng - chống nạn tảo hôn hôn nhân cận huyết thống trong trường học có đông học sinh DTTS

Thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình, Đề án PBGDPL được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; trong đó đề cao  trách nhiệm vai trò của từng ngành, lĩnh vực trong công tác PBGDPL gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; phát hiện và nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến về công tác PBGDPL.

Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL. Qua đó, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác PBGDPL.