Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bỏ phố về quê lập nghiệp: Góc nhìn từ người trong cuộc

Hồng Phúc - 17:24, 04/09/2021

Bỏ phố về quê không chỉ là trào lưu của những người trẻ tiên phong, mà đang trở thành một dòng dịch chuyển việc làm, lao động. Đây là cơ hội nhưng cũng sẽ là thử thách cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua khó khăn của những người trong cuộc.

Phạm Đình Ngãi khởi nghiệp từ những giọt mật thơm ngát được tạo ra bởi những bàn tay nông dân chính hiệu tỉnh Trà Vinh.
Phạm Đình Ngãi khởi nghiệp từ những giọt mật thơm ngát được tạo ra bởi những bàn tay nông dân chính hiệu tỉnh Trà Vinh.

Câu chuyện của ý chí lập nghiệp

Phạm Đình Ngãi trở thành giảng viên sau khi tốt nghiệp thạc sỹ ngành kỹ thuật điện. Còn vợ anh, cô gái người Khmer, là thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm. Hai vợ chồng đã quyết định bỏ phố về quê ở Trà Vinh từ 3 năm nay, để "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời’.

Sau nhiều lần thất bại, vợ chồng anh đã tìm ra kỹ thuật thu mật và chế biến được các sản phẩm từ mật hoa dừa, nâng cao giá trị của cây dừa quê hương. Giờ đây sau 3 năm, sản phẩm chủ lực là mật hoa dừa, được tung ra thị trường và hiện tại thương hiệu Sokfarm của anh chị đã có mặt trên 20 tỉnh thành trong nước, được bán online trên sàn thương mại điện tử Amazon.com của Mỹ. 

Vườn dừa 2 ha của gia đình anh Ngãi, cũng được xây dựng lại để phục vụ cho đối tác và khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm mô hình thu mật thực tế tại vườn. Du khách được trải nghiệm nhiều hơn về mô hình nông nghiệp bền vững, hòa mình vào một không gian thiên nhiên nơi đậm nét văn hóa Khmer tại nhà vườn.

Cũng chọn làm nông nghiệp, Võ Thị Minh Nga, sinh năm 1987 - một nhà báo trẻ đã rời bỏ TP.HCM sau 10 năm lập nghiệp. Nga trở về Tân An - khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam, khởi nghiệp tạo thương hiệu gạo lứt rẫy Bh.nong, với khát khao đưa nông sản sạch quê hương lên một tầm cao mới.

Nga mê say sản xuất và mong muốn làm ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên. Năm 2017, Nga đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300 m2, lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến sản phẩm tinh bột nghệ, trà gạo lứt, gạo lứt… Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo vệ sinh.

Từ bán online, nay Nga đã có đại lý phân phối nhiều tỉnh, sản phẩm xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Tiki, Sendo… Hiện nay, thương hiệu Gạo lứt rẫy Bh.nong có nhiều dòng sản phẩm: Trà, bột gạo lứt… với nhận diện hình ảnh cô gái người Bh.nong trên bao bì. Mỗi năm Nga thu mua hàng chục tấn gạo lứt của đồng bào, các sản phẩm chế biến cho lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Đó chỉ là hai trong hàng nghìn câu chuyện người trẻ bỏ phố về quê. Khởi nghiệp ở quê đa phần đều có một đặc điểm chung là, họ đều tận dụng những lợi thế, những đặc sản vốn có của địa phương trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, nông sản...

Quan niệm trở về quê chỉ dành cho những người già, về hưu hưởng an nhàn, hiện nay đã không còn đúng nữa. Vài năm trở lại đây, về quê lập nghiệp đã trở thành xu hướng, lối sống của một bộ phận người trẻ. Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững.

Còn thiếu yếu tố đổi mới, sáng tạo

Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng thực sự đã có một làn sóng khởi nghiệp, với nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Chủ nhân của các dự án khởi nghiệp này, hầu hết đều là người trẻ, có học hành bài bản tại các trường đại học ở đô thị, sau đó về quê cống hiến sức mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng lập Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh), có lần chia sẻ một cách nghĩ tích cực: "Ở đâu còn lạc hậu, ở đó có cơ hội". Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện chỉ mới có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Tuy nhiên, phải đến 90% trong số người khởi nghiệp vận hành doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành, cũng như các chương trình hỗ trợ, định hướng ngay từ giai đoạn đầu.

Mặc dù là trào lưu, nhưng bỏ phố về quê có phải là giải pháp cho tất cả những ai muốn thay đổi môi trường sống? Những thành quả không đủ phản ánh toàn diện con đường về quê khởi nghiệp, nó đầy rẫy những gian nan, đắng cay. Những người tạo dựng được thương hiệu uy tín, có danh tiếng nhưng số đó là rất ít, số người thất bại còn cao hơn rất nhiều lần.

Cái gì cũng có hai mặt. Miền quê có rất nhiều những điểm trừ, không còn như mộng ảo, nhiều người đã đành phải quay ngược trở lại thành phố và đối mặt trở lại với rất nhiều khó khăn.

Mô hình du lịch khám phá được một số bạn trẻ ở huyện Lắk (Đăk Lăk) lựa chọn khởi nghiệp.
Mô hình du lịch khám phá được một số bạn trẻ ở huyện Lắk (Đăk Lăk) lựa chọn khởi nghiệp.

Kiên trì, nỗ lực- Yếu tố quan trọng để thành công

Anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ: Nhiều đắng cay lắm, mình cứ xác định về quê là phải chịu khổ được, phải thật kiên trì, nỗ lực. Anh điểm ra những bất cập trong quá trình khởi nghiệp, thứ nhất, phải thật cố gắng chia sẻ, làm việc cùng người nông dân để họ thay đổi tư duy làm nông nghiệp chuyên nghiệp. 

Thứ hai, điều kiện khách quan là ở quê kiến trúc hạ tầng, cơ sở vật chất không thể thuận lợi như thành phố, dẫn đến việc vận chuyển, phân phối hàng hóa cần phải có phương án khắc phục tối ưu. Thứ ba, nạn chảy máu chất xám ở quê không phải vấn đề riêng của địa phương nào, để tìm được nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn như: Truyền thông, maketing, hành chính, kế toán... ở quê là quá khó.

Thế nhưng, cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở, anh Ngãi chia sẻ cần phải chủ động tiếp cận các nguồn lực, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Hiện nay, có rất nhiều quỹ, nguồn vốn, nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, quan trọng nhất là ở mình phải tập trung nắm bắt.

Còn Minh Nga chia sẻ, khởi nghiệp thiếu vốn là rất khó khăn, nhưng không phải là không giải quyết được. Từ bản thân chỉ vỏn vẹn chưa đến chục triệu đồng, chị làm theo kiểu ít và chấp nhận những bước đầu chậm, khó khăn hơn với việc mua đi bán lại nông sản, tận dụng nguồn khách hàng tiềm năng trên Facebook, rồi góp vốn dần dần. Sau đó, khi biết ở huyện có chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) là Nga tham gia “trong 1 nốt nhạc”, đặt những viên gạch đầu tiên về việc sản xuất bài bản.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng các hành lang pháp lý và hệ sinh thái khởi nghiệp, là thật sự cần thiết để hỗ trợ cho các startup mới bước vào cuộc chơi này.

Để tránh được sai lầm, các startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp của mình đang hoạt động, những người này phải hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Văn Tân, thành viên cố vấn Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, bên cạnh chủ lực chính là người khởi nghiệp, các cơ quan nhà nước, tổ chức doanh nghiệp, thì cần coi trọng vai trò của những chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp. “Thực tế cho thấy, với những địa phương kết nối được mạng lưới chuyên gia uy tín, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của người trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở đó gặt hái được nhiều thành quả”.

Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.