Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh niên DTTS Tây Nguyên lập thân, lập nghiệp: Gương sáng ở các buôn làng (Bài 1)

Lê Hường - 13:46, 01/08/2021

Thanh niên các DTTS Tây Nguyên đang dần vượt qua rào cản tâm lý và tập tục lạc hậu để khẳng định khả năng và bản lĩnh, làm giàu chính đáng trên chính buôn làng của mình. Tuy nhiên, trên hành trình khởi nghiệp, chắc chắn họ sẽ không tránh khỏi những bước gập gềnh, vướng mắc cần sự hỗ trợ, hậu thuẫn nhiều hơn nữa về chủ trương, chính sách từ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể... nhằm tạo điều kiện cho thanh niên DTTS lan tỏa khát vọng lập thân, lập nghiệp...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới thăm cơ sở chế biến, kinh doanh cà phê của chị Cơ Liêng Rolan cuối năm 2019
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới thăm cơ sở chế biến, kinh doanh cà phê của chị Cơ Liêng Rolan cuối năm 2019

Sinh ra và lớn lên giữa buôn làng, nhiều thanh niên lập nghiệp thành công, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giúp bà con buôn làng dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế, lan tỏa nguồn cảm hứng, năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ trong cộng đồng....

Những thương hiệu nức tiếng

Mấy năm qua, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Cơ Liêng Rolan ở buôn B’Ner C, thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng), trở thành điểm đến của các đoàn du khách trong và ngoài nước. Họ đến để trải nghiệm văn hóa đồng bào Cơ ho và thưởng thức ly cà phê nức tiếng Lang Biang - “K’ho Coffee”.

Từ nhỏ Rolan đã cùng gia đình chăm sóc, thu hái cà phê, nên hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân trồng cà phê truyền thống mà thu nhập lại thấp. Ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng riêng của người Cơ ho, bằng chính những hạt ở phê quê nhà, giúp bà con trong buôn thu lợi nhuận cao và ổn định hơn, Rolan đã xây dựng thành công thương hiệu K’ho Coffee.

Kể từ khi ra đời năm 2018, đến nay, K’ho Coffee đã có 7 cửa hàng tại các thành phố: Đà Lạt, Nha Trang, Tuy Hòa (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình), TP. Hồ Chí Minh.

Cũng khởi nghiệp bằng chính nguyên liệu cà phê, anh Y Pốt Niê, ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã mang “Ê Đê Café” giới thiệu ra thế giới và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Sớm nuôi dưỡng niềm đam mê chế biến cà phê, với mong muốn nâng cao giá trị hạt cà phê do chính công sức, bàn tay bà con trong vùng làm ra, Y Pốt quyết định khởi nghiệp với cà phê bột rang xay theo phong cách đồng bào Ê Đê.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Y Pốt vận động bà con trong buôn chuyển đổi hình thức canh tác sản xuất cà phê sạch. Nhiều người dân trong buôn đã đồng ý liên kết với Y Pốt để chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. 

Y Pốt quyết định thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café và đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang nhãn hiệu “Ê Đê Café”. Từ 1ha cà phê của gia đình, nay Y Pốt đã liên kết với bà con mở rộng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 25ha cà phê robusta và hơn 10ha cà phê Arabica ở tỉnh Lâm Đồng. 

Lô hàng cà phê đầu tiên đã được xuất ngoại đến Malaysia  và nhiều đối tác ở Nhật Bản,  các nước Trung Đông cũng tìm đến gặp và đặt vấn đề hợp tác. Giờ đây thương hiệu “Ê Đê Café” đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, còn nhiều gương thanh niên DTTS Tây Nguyên dám nghĩ, dám làm, trở thành những tấm gương tiêu biểu, lan tỏa khát vọng làm giàu, tinh thần lập thân, lập nghiệp trong công đồng.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Nông nghiệp chính là thế mạnh trên vùng đất đỏ bazan. Nhiều thanh niên DTTS ở Tây Nguyên, đã khơi dậy tiềm năng sẵn có và lập nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương.

Y Pốk tự rang say cà phê theo cách truyền thống của đồng bào Ê Đê
Y Pốk tự rang xay cà phê theo cách truyền thống của đồng bào Ê Đê

Từ nông nghiệp, chàng trai Jơ Jê Ha Mi, dân tộc Cơ ho, ở thôn Ða Kao 1, xã Ðạ Tông, huyện Ðam Rông (Lâm Đồng) đã làm giàu chính đáng bằng việc sản xuất rau sạch. Câu chuyện chuyển đổi thói quen canh tác từ rau rừng, sang tư duy rau sạch hàng hóa của Ha Mi đã tiếp lửa cho thanh niên DTTS tại huyện khởi nghiệp trên quê hương. 

Trăn trở trước cái nghèo, Ha Mi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 30 triệu đồng từ người thân mua thiết bị, cải tạo khu vườn 8 sào trồng các loại rau thương phẩm. Vườn rau sạch đã  mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình Ha Mi khoảng 200 triệu đồng. Nếu chia bình quân tháng cho nhân công lao động, thì thu nhập chưa phải là cao, nhưng ở vùng đất nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng này, Ha Mi là điển hình, là tấm gương để thanh niên DTTS học tập.

Tương tự, được gia đình cho 6 sào đất làm vốn, Ðiểu Ngun, dân tộc M’nông, ở xã Ðắk R’Tih, huyện Tuy Ðức (Đắk Nông) đã làm nên cơ nghiệp khiến ai ai cũng phải trầm trồ. Ban đầu Điểu Ngun trồng cao su, nhưng không thành công, anh mạnh dạn vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng trồng cà phê và hồ tiêu giống mới. 

Ngoài ra, anh trồng thêm cây nông nghiệp ngắn ngày để làm thức ăn chăn nuôi. Kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, anh nhanh chóng trả được nợ, tích lũy ít vốn mua thêm đất mở rộng sản xuất. 

Đến nay, Điểu Ngun đã có hơn 6ha cây công nghiệp trồng xen canh các loại cây ăn trái, mỗi năm thu nhập gần 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Điểu Ngun giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ là thành niên DTTS.

Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, toàn tỉnh có 262 nghìn thanh niên, trong đó hơn một nửa là thanh niên DTTS. Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng. 

Đặc biệt, nhiều thanh niên DTTS thay đổi tư duy, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đứng ra kết nối thanh niên khởi nghiệp với các doanh nhân trẻ, thành đạt, tham quan các mô hình nổi tiếng giúp thanh niên có hoạch định cho con đường khởi nghiệp của mình. Các cấp đoàn, hội trong tỉnh duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”; các nhóm, câu lạc bộ giúp nhau làm ăn tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS hoạt động khá hiệu quả…

Còn tại Đăk Nông, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trương Văn Bình đánh giá, những năm gần đây, thanh niên DTTS đã tự khẳng định mình, với ý chí và quyết tâm cao để phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình. Trong đó, có những mô hình của thanh niên DTTS cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những làm giàu cho bản thân, thanh niên DTTS còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên - thanh niên, tạo sự lan tỏa sâu rộng. 

Tuy nhiên, nhiều thanh niên DTTS chia sẻ, trên hành trình khởi nghiệp họ còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các chủ trương, chính sách, sự hậu thuẫn của các cấp chính quyền, đoàn thể... để họ tự tin tiếp bước trên con đường khởi nghiệp còn lắm gian nan này./.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.