Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bon Pi Nao làm nên những mùa vàng trên vùng đất sình lầy

Lê Hường - 22:31, 11/06/2024

Bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông là nơi có 95% đồng bào dân tộc Mnông sinh sống. Bao đời, người Mnông nơi đây mưu sinh bằng nghề phát nương, đốt rẫy, trỉa lúa cạn, cuộc sống cứ khó khăn tưởng chừng như không thoát ra được. Nhưng hôm nay đã khác, để người dân bớt khổ, từ chương trình, dự án, chính sách dành cho đồng bào DTTS của Nhà nước, người dân cần cù, chịu khó làm ăn nên đã làm được điều kỳ diệu... biến những vùng sình lầy thành cánh đồng lúa nước màu mỡ...

Từ sình lầy, đồng bào Mnông cải tạo thành cánh đồng lúa
Từ vùng sình lầy, đồng bào Mnông cải tạo thành cánh đồng lúa

Những ngày đầu tháng 6, cánh đồng lúa bon Pi Nao vàng rực, không khí thu hoạch lúa Đông Xuân rộn ràng như trẩy hội, ai nấy miệng nói, tay làm, máy tuốt lúa đầu bờ chạy hết công suất. Từ sức người và sự hỗ trợ của máy móc, đồng bào Mnông bao đời quen với nương rẫy đã biến vùng sình lầy rộng lớn xưa kia trở thành cánh đồng lúa trĩu bông.

Ôm bó lúa trĩu hạt, chị H’Uyn vui mừng bảo: Trước đây, đồng bào Mnông bon Pi Nao quen làm lúa rẫy, không có kinh nghiệm trồng lúa nước, sống bám rừng, mùa giáp hạt bà con thường vào rừng lấy măng, rau rừng để chống đói. Từ ngày được hỗ trợ khai hoang ruộng, học cách trồng lúa nước, bà con không còn cảnh đói giáp hạt. Sản xuất lúa mỗi năm 2 vụ, năng suất 5 - 7 tấn/ha, nhờ đó bà con không chỉ đủ lúa ăn quanh năm, nhiều nhà còn dư lúa dành để chăn nuôi, tăng thu nhập hoặc bán để có thêm kinh phí nuôi con ăn học.

Vụ Đông Xuân năm 2023-2024, mặc dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn, song năng xuất, sản lượng giảm không đáng kể, vụ mùa thu hoạch vẫn mang lại niềm vui cho đồng bào Mnông nơi đây.

Đồng bào dân tộc Mnông thu hoạch lúa trên cánh đồng bon Pi Nao
Đồng bào dân tộc Mnông thu hoạch lúa trên cánh đồng bon Pi Nao

Chia sẻ với chúng tôi, anh Điểu Nhí phấn khởi nói: Năm nay.năng suất lúa có giảm so với trước nhưng mà vẫn cao hơn nhiều so với làm lúa cạn trước đây. Bây giờ, đường giao thông ra đến đồng, kênh mương thủy lợi điều tiết nước vào đến ruộng nên việc làm lúa dễ hơn trước rất nhiều. Mùa thu hoạch thì máy móc vào đến tận ruộng, chỉ cần gặt lúa rồi mang lên bãi đất trống để máy tuốt, rồi chở lúa về nhà. 

Cánh đồng lúa bon Pi Nao canh tác một năm 2 vụ nên thu hoạch vụ này xong, bà con lại tiếp tục cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới. “Khai hoang sình lầy, gia đình nào cũng có vài sào ruộng, nhờ cánh đồng này mà bà con không còn cảnh lo lắng vấn đề lương thực”, anh Điểu Nhí cho hay.

Truyền thống của đồng bào Mnông là phát nương, đốt rẫy, trỉa lúa cạn. Sản xuất phụ thuộc vào nước trời, năng suất bấp bênh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu đói, đặc biệt là mùa giáp hạt.

Năm 2009, huyện Đắk R’lấp xây dựng chủ trương, kế hoạch vận động bà con dân tộc Mnông bon Pi Nao khai hoang vùng sình lầy bàu Muỗi, bàu Đỉa để canh tác lúa nước. Sử dụng hàng tấn vôi bột đã được rải khắp vùng sình lầy để xử lý đất, huy động lực lượng thanh niên từ các cơ quan, đơn vị giúp bà con khai hoang, be bờ, đắp đập. 

Sức người cùng máy móc, chỉ trong thời gian ngắn đã tạo thành cánh đồng 8ha màu mỡ. Toàn bộ diện tích đất khai hoang, huyện chia đều cho khoảng 100 hộ trong bon Pi Nao sản xuất lúa nước, với mong muốn giúp người dân đảm bảo an ninh lương thực.

Người dân bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất
Người dân bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất

Ngoài được hỗ trợ khai hoang, các hộ còn được hỗ trợ lúa giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Nhờ cần cù, chịu khó học theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên những năm gần đây, bà con còn biết áp dụng khoa học, kỹ thuật, chọn giống mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nên năng suất lúa trên cánh đồng bon Pi Nao ngày càng cao. Từ thời gian đầu, mỗi héc ta chỉ được vài tạ lúa khô, đến nay, năng suất lúa đã lên 5 - 7 tấn/ha. Qua đó, giúp bà con bảo đảm lương thực và có thêm thu nhập từ trồng lúa nước.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, bên cạnh việc vận dụng các chính sách hỗ trợ về tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật..., chính quyền các cấp huyện Đắk R’lấp còn ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông phục vụ sản xuất. Nhất là các loại máy móc phục vụ sản xuất cũng được đưa đến chân ruộng đã giúp bà con cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Thấy rõ hiệu quả cây lúa nước, các hộ dân tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích, đến nay cánh đồng lúa bon Pi Nao ngày càng được mở rộng, riêng vụ Đông Xuân 2023-2024, bon Pi Nao gieo trồng 16ha lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo phấn khởi nói: Kết quả từ việc khai hoang, cải tạo đất trồng lúa cấp cho đồng bào Mnông ở bon Pi Nao, đã chứng minh được chủ trương, hướng đi đúng của địa phương trong việc giúp bà con có thêm sinh kế, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đời sống ngày càng ấm no. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.